Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp, hiện nay là rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn năm 2021 - 2025 khoảng 1,3 triệu căn hộ.

Chính vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng, chính sách phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường là chính sách nhân văn, đảm bảo cho người lao động an cư lạc nghiệp.

So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới như: Sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về: Đối tượng, hình thức và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; loại hình dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà ở xã hội; đất để xây dựng nhà ở xã hội;….; Bổ sung thêm các quy định về: Hình thức phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội;…

Khi thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao những sửa đổi, bổ sung trong quy định về chính sách nhà ở xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, chính sách về nhà ở xã hội vẫn còn nhiều điểm vướng mắc. Một trong số đó là vấn đề về nguồn vốn và lãi suất.

Đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nêu thực tế, lãi suất cho vay những tháng đầu năm 2023 ở mức khá cao. Điều này dẫn tới giá nhà sẽ có biến động, khiến cho công nhân có thu nhập thấp không có cơ hội được tiếp cận nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, đại biểu Hồ Thị Minh còn cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tăng cường hoạt động giám sát để ngăn chặn những hành vi trục lợi nhà ở xã hội.

“Đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội liệu đã thực sự đúng chưa hay bị trá hình. Người cần thực sự, người trong diện được mua lại không thể tiếp cận. Hoặc bản thân họ khi tiếp cận được rồi có phải được mua đúng giá ban đầu hay lại phải mua qua trung gian, môi giới. Như vậy, người có thu nhập thấp luôn phải chịu thiệt thòi”, đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh.

Hiện nay, đã có quy định cụ thể về đối tượng và điều kiện được mua nhà ở xã hội. Vậy nhưng, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, thủ tục xét duyệt hồ sơ hiện còn nhiều phức tạp, chưa có sự đồng bộ, hệ thống thông tin dữ liệu còn rời rạc, đơn lẻ… đã gây ra nhiều cản trở đối với việc tiếp cận nhà ở xã hội.

Lấy ví dụ về điều kiện để mua nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, người được mua nhà ở xã hội cần phải chứng minh thu nhập của bản thân chưa đủ điều kiện để đóng thuế thu nhập cá nhân. Thế nhưng, do thông tin dữ liệu dân cư chưa được đồng bộ, cho nên để lấy dữ liệu bên Tổng cục thuế cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thêm nữa, thời điểm tổng hợp thuế và thời điểm xét duyệt hồ sơ cũng chưa được thống nhất với nhau. Điều này dẫn đến tình trạng, chủ đầu tư thì muốn sớm đưa nhà ở đến tay người tiêu dùng để thu hồi vốn, nhưng do thủ tục còn rườm rà nên dù muốn cũng không thể nhanh được. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định.

Từ thực tế, các đại biểu đều thấy rằng, quy định bắt buộc các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị loại III trở lên, phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội là chưa phù hợp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, một số tình thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh có thể gọi là đất vàng, giá trị đất thường rất cao. Việc để 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội dù có được bán với giá thấp hơn giá trị thường thì người lao động có thu nhập thấp cũng khó có thể mua được.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, dự án Luật sửa đổi lần này cần có sự phân định rõ ràng với từng khu vực, không nên ban hành một quy định chung cho tất cả. Hoặc hoàn toàn có thể tùy theo từng địa phương mà chính quyền sẽ có sự sắp xếp cho phù hợp.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một số đại biểu cũng cho rằng, thay vì cứng nhắc yêu cầu chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội thì có thể linh hoạt cho chủ đầu tư quy đổi quỹ nhà đất, hoán đổi bằng tiền mặt.

Có thể nói, để chính sách sớm đi vào cuộc sống, cũng như đạt được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp kịp thời, tháo gỡ những điểm vướng mắc, bất cập hiện nay.