Từng là nơi bị đổ rác, phế thải trộm của nhiều cá nhân, gia đình, giờ đây, nhiều ao làng ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh trở thành điểm sáng về môi trường. Ao Đình Tràng là một trong số đó. Không chỉ sạch sẽ, khu vực này còn có thêm cây xanh, đèn điện khiến không gian trở nên sáng và đẹp hơn. Ông Nguyễn Viết Tâm cho biết, khu vực ao Đình Tràng từng bị 40 hộ dân lấn chiếm. Gia đình ông cũng có một phần xây dựng lấn vào đất ao từ cách đây 20 năm. Sau khi được tuyên truyền, hiểu rõ chủ trương của địa phương về việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các thôn, làng, ông đã tự giác tháo dỡ, trả lại mặt bằng. “Chúng tôi nhận thấy cải tạo cảnh quan là thiết thực, có lợi cho xã hội. Gia đình chúng tôi có một phần xây dựng chưa đúng quy định, chúng tôi đã tự tháo dỡ để trả mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai”, ông Tâm chia sẻ.

Ông Nguyễn Đăng Thọ, Chủ tịch UBND xã Dục Tú, huyện Đông Anh cho biết ao Đình Tràng là một trong những thắng lợi đầu tiên trong công tác tuyên truyền về chủ trương nâng cấp cơ sở hạ tầng tại xã Dục Tú. Bởi từ những hộ gia đình tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng để chính quyền tiến hành xây bờ kè, cải tạo cảnh quan, đến nay xã đã có 11 ao, hồ được đầu tư, nâng cấp trở thành những điểm sáng về cảnh quan, môi trường.

Diện mạo xã Tiên Dương, huyện Đông Anh so với cách đây vài năm cũng có sự chuyển biến rõ nét. Phần lớn đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa, thông thoáng và sạch sẽ hơn. Khu vực có ao hồ cũng được cải tạo, trở thành những điểm nhấn xã với những bồn hoa, cây xanh, đèn chiếu sáng…. Theo ông Trần Ngọc Linh, Bí thư Chi bộ thôn Lương Nỗ, xã Tiên Dương, sự đổi thay này khởi nguồn từ quyết tâm của hệ thống chính trị và người dân nơi đây trong việc xây dựng nếp sống văn minh. “Cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện, bà con nhân dân nhận thấy lợi ích thiết thực nên phấn khởi và ủng hộ. Có những hộ gia đình tự nguyện trả lại phần đất công đã lấn chiếm để chính quyền cải tạo, chỉnh trang cho khang trang, sạch đẹp”, ông Linh chia sẻ.

Ông Hoàng Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Tiên Dương cho biết, ngoài thông Lương Nỗ, các thôn còn lại trong xã cũng có bước chuyển mình về kinh tế, xã hội. Đây là kết quả từ việc triển khai Nghị quyết chuyên đề số 250-NQ/HU của Huyện ủy Đông Anh về việc thực hiện “5 có, 3 không” tại các thôn, làng, tổ dân phố. Cụ thể “5 có” gồm: có nhà văn hóa, có sân bóng đá, có công viên mini, có các điểm sinh hoạt cộng đồng, có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh. “3 không” gồm: không vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai về trật tự xây dựng và trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải, rác thải; không có hộ nghèo. Sau gần 2 năm triển khai, Nghị quyết đã từng bước đi vào cuộc sống. “Chúng tôi xây dựng cải tạo hệ thống ao hồ với chi phí hơn 70 tỷ đồng. Đề án cơ bản đã xong, cảnh quan môi trường được cải thiện, bà con phấn khởi, hy vọng Tiên Dương sớm trở thành phường”, ông Hùng thổ lộ.

Đông Anh là một trong số ít huyện của Hà Nội thực hiện song hành nhiều nhiệm vụ, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với xây dựng quận. Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Đông Anh cho đến thời điểm này, huyện đã đạt tiêu chí về nông thôn mới nâng cao. Kết quả này góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo của xã, thị trấn.

Thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ đưa một số huyện lên quận, trong đó có Đông Anh. Đây có thể coi là động lực để các xã, thị trấn của Đông Anh không chỉ xanh, sạch và đẹp hơn mà còn phát triển hơn về kinh tế, xã hội.