So với những ngành nghề truyền thống của nước ta, nghề thêu tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội có tuổi đời còn ít. Thu nhập từ nghề này cũng không cao. Tuy nhiên, hơn 20 năm nay, bà Đỗ Thị Vấn, 60 tuổi, ở xóm Hợp Nhất, xã Dương Liễu vẫn miệt mài như những con tằm, tỉ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ để cho ra những tác phẩm độc đáo, mang đậm tâm hồn người Việt. Đó là những bức tranh về các loài hoa, tranh về cảnh vật, tình người. “Nghề này phải học ít nhất khoảng 6 tháng thì mới làm được. Người làm nghề cũng cần kiên trì, tỉ mỉ”, bà Vấn chia sẻ.

Bà Vấn cho biết đã học và biết thêu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đó là thời kỳ “huy hoàng” của nghề thêu ở xã Dương Liễu. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Không chỉ riêng gia đình bà mà nhiều hộ dân ở đây nhờ có nghề này mà đã vượt qua được giai đoạn khó khăn của đất nước. “Tôi học và làn nghề thêu từ lúc 13-14 tuổi”. bà Vấn nhớ lại.

Như bao nghề truyền thống khác ở nước ta, nghề thêu ở xã Dương Liễu cũng có lúc “trầm”. Dù yêu nghề, bà Vấn vẫn phải nghỉ vì sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ.

Trăn trở trước sự mai một của nghề, năm 2002, khi xã Dương Liễu có một hợp tác xã mở lớp dạy nghề và tổ chức sản xuất tranh thêu, bà đã xin vào làm. Suốt từ đó đến nay, bà gắn bó với công việc thêu tay như một cách để tri ân. Không chỉ níu giữ, bà Vấn còn mong muốn góp phần phát triển nghề thêu của quê hương. Vì thế, chỉ những khi gia đình có việc thật cần thiết bà mới nghỉ làm. Trong công việc, mọi đường kim, mũi chỉ bà cũng thực hiện với cả sự đam mê và nhiệt huyết để mỗi sản phẩm khi hoàn tất đều trở thành những tác phẩm nghệ thuật.

Cùng nỗi trăn trở và tâm nguyện níu giữ, phát triển nghề thêu ở xã Dương Liễu còn có ông Nguyễn Phi Đức. Lý do là gia đình ông cũng từng có cuộc sống tốt hơn với thu nhập từ nghề này trong quá khứ. Là nam giới, ông Đức không biết thêu, cũng không trực tiếp tạo ra những bức tranh thêu. Tuy nhiên, để góp phần phục hồi nghề thêu, từ năm 2002, ông đã thành lập một tổ sản xuất tranh thêu, trực thuộc Hợp tác xã Dương Liễu, do ông làm giám đốc. “Trước đây, nhiều người sống bằng nghề thêu. Sản phẩm sản xuất ra chủ yếu bán sang các nước thuộc khối Đông Âu. Sau khi khối này tan rã, sản phẩm không có nơi tiêu thụ, lao động làm nghề thêu cũng mất việc việc làm. Tôi tìm hiểu và biết có những nơi như ở huyện Thường Tín, Hà Nội cũng làm nghề thêu mà họ phát triển được nên tự hỏi tại sao mình không tổ chức dạy nghề và sản xuất để khôi phục lại nghề?! Sau đó, tôi mời thầy về dạy và tổ chức sản xuất”, ông Đức chia sẻ.

Nếu như trước đây, các sản phẩm thêu ở Dương Liễu chủ yếu để làm khăn trải bàn, trải ghế, trải gường… thì nay là những bức tranh treo tường. Kỹ thuật vì thế đòi hỏi cao hơn về độ tinh xảo, sự khéo léo, từ cách phối màu chỉ cho đến cách thêu. Chưa dừng lại ở đó, để có thể tồn tại, những người đứng ra tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như ông Đức còn phải cân đối chi phí và giá thành. Làm thế nào để người trực tiếp tạo ra sản phẩm sống được bằng nghề, còn người mua chấp nhận giá bán luôn là bài toán khó. Thế nhưng, với quyết tâm níu giữ và từng bước phát triển nghề thêu, ông Đức vẫn duy trì tổ sản xuất tranh thêu hơn 20 năm nay với gần 10 lao động, chủ yếu là những người đã có tuổi.

Phụ trách về lĩnh vực văn hóa của địa phương, ông Nguyễn Danh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Dương Liễu rất tự hào về nghề thêu. Ông cho rằng, không chỉ làm phong phú thêm nét đẹp về văn hóa cho quê hương, nghề thêu còn góp phần giải quyết việc làm cho những người đã hết tuổi lao động nhưng vẫn còn sức khỏe và kỹ năng nghề nghiệp. “Phần lớn những người làm nghề thêu tuổi đã cao. Nhờ có nghề truyền thống nên họ vẫn có việc làm để có thêm thu nhập. Chúng tôi lúc nào cũng động viên, khích lệ bà con cố gắng giữ gìn và phát triển nghề”, ông Tuấn cho biết.

Nhằm đáp ứng sự phát triển của xã hội, nhiều ngành nghề đã áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Nhưng để mỗi sản phẩm thêu đều có hồn, trở thành một tác phẩm nghệ thuật, một số người cao tuổi ở xã Dương Liễu vẫn kiên trì, tỉ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ, đồng thời không ngừng đổi mới, sáng tạo về mẫu mã. Kết quả là tranh thêu tại xã Dương Liễu đã được chứng nhận sản phẩm OCOP4 sao, hứa hẹn nghề thêu tại đây không chỉ được duy trì mà sẽ từng bước vươn xa.

Nghe bài viết dưới đây: