Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề truyền thống, đa số các làng có nghề đều thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường. Nguyên nhân dẫn đến việc phải đánh giá tác động môi trường là do không ít làng nghề phát triển tự phát nằm xen kẽ trong các khu dân cư, cơ sở hạ tầng kém, hệ thống xử lý rác thải làng nghề không đầy đủ… gây ô nhiễm nghiêm trọng. Việc đánh giá tác động môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc làng nghề phát triển kém bền vững, ảnh hưởng tới chất lượng sống của người làm nghề.

“Việc đánh giá, khắc phục ô nhiễm làng nghề chưa bao giờ đơn giản cả. Nó liên quan từ công nghệ, không gian sinh kế của người dân và quan trọng nhất là kinh phí. Nhiều nơi áp dụng đưa làng nghề vào cụm làng nghề nằm bên cạnh các làng nghề, nhưng tại đó công nghệ vẫn còn lạc hậu, cũ kỹ, nên việc ô nhiễm không thể xử lý tận gốc”- Tiến sĩ Lê Ngọc Thuần, Viện nghiên cứu Tài nguyên và biến đổi khí hậu phân tích.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Chẳng hạn như tại làng nghề Minh Khai, huyện Hoài Đức, người dân chia sẻ rằng, ở làng giờ khói bụi hơn, vì ống khói có nhưng không xử lý khói thoát ra, nên ô nhiễm làng nghề vẫn tồn tại.

Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm như Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai thuộc huyện Hoài Đức, dịp cuối năm hối hả tất bật hơn. Bình quân, mỗi ngày sản xuất 80-100 tấn củ sắn và dong riềng, xả ra môi trường 50-70 tấn bã thải và hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý. Dù đã có Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà công suất 20.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động nhưng mới chỉ xử lý được một phần nước thải của 3 làng nghề này.

Còn tại xã Vân Từ (Phú Xuyên, Hà Nội), hiện có gần 1.000 hộ sản xuất quần áo, hằng ngày thải ra môi trường 700-800kg rác thải công nghiệp (vải vụn). "Theo quy định, chất thải này phải được thu gom riêng, nhưng do phí thu gom cao (khoảng 2.000 đồng/kg) nên nhiều hộ dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp"- chuyên gia môi trường Nguyễn Thế Chinh phân tích.

“Đã đến lúc phải để các cơ sở sản xuất tự tính chi phí môi trường. Nếu xả thải ra môi trường mà không dọn, xử lý thì để cho đội chuyên môn họ dọn dẹp, nhưng chi phí dọn vệ sinh đó phải tính vào chi phí sản xuất”- chuyên gia môi trường Nguyễn Thế Chinh đề xuất.

Không chỉ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, khi các làng nghề truyền thống bước vào cao điểm sản xuất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết thì tình trạng ô nhiễm môi trường càng thêm nghiêm trọng.

Hiện có đến 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng do nước thải sản xuất xả thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao mà không qua hệ thống xử lý. Hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây - tre - giang - xiên và chế biến nông sản, thực phẩm cao hơn nhiều lần. Để xử lý ô nhiễm này, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viên nghiên cứu Môi trường và phát triển cộng đồng đề xuất, cần có quy hoạch cụ thể và giao việc này về địa phương, và muốn hiệu quả thì cần thái độ trách nhiệm rất cao từ phía cán bộ cơ sở.

Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) và hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai)… Đến nay, 21/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 49%. Hà Nội sẽ đầu tư khoảng 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng và mục tiêu đến năm 2025, chất thải của các làng nghề đều được xử lý…

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, các cơ sở làng nghề cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó có cả thu phí bảo vệ môi trường với các làng nghề gây ô nhiễm. Cùng với giải pháp của chính quyền, rất cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân tại chính các làng nghề thì tình trạng ô nhiễm làng nghề mới sớm được khắc phục triệt để.

“Có thể chúng ta đề ra nhiều chính sách nhưng việc phân cấp tạo ra chồng chéo… vì vậy muốn làng nghề phát triển, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp vào nền kinh tế mà vẫn giữ vững được môi trường trong sạch thì rất cần có quy hoạch”, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nói.

Hà Nội thể hiện quyết tâm khi ban hành quyết định về Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, đảm bảo 100% các làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ những điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề. Môi trường làng nghề Hà Nội sớm được cải thiện, đồng nghĩa người dân được hưởng thụ thành quả lao động của mình trong một môi trường sống đảm bảo sức khỏe .