Nước ta đã trải qua 3 đợt bùng phát của dịch Covid-19. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, chúng ta đều chiến thắng. Lần bùng phát thứ 4 này, với cách tiếp cận mới “5k + vắc xin” theo quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là kết hợp hài hòa giữa phòng ngừa và tấn công, chắc chắn sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc chiến với đại dịch.

Tin tưởng như vậy nên những ngày qua, sau khi Chính phủ thành lập Quỹ Vắc xin phòng Covid-19, bên cạnh sự ủng hộ lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhiều cá nhân cũng chuyển khoản vào quỹ này với mong muốn được góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Anh Nguyễn Văn Thanh, ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là một trong số đó. Anh Thanh cho biết kể từ khi dịch xuất hiện ở nước ta đến nay, nhất là trong đợt bùng phát này, hầu như ngày nào anh cũng cập nhật tin tức về diễn biến của dịch. Lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bao nhiêu anh càng thấy mình may mắn bấy nhiêu khi được sống ở mảnh đất hình chữ S - nơi đến nay vẫn được bạn bè quốc tế đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch tốt hàng đầu thế giới. Cũng từ đây, anh càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong cuộc chiến với đại dịch này. Chính vì thế, ngay sau khi biết Chính phủ thành lập Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 để thực hiện mục tiêu sớm tiêm vắc-xin miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng anh đã chuyển khoản 5 triệu đồng vào quỹ. “Tôi nghĩ đây là việc cấp bách, là phương án cơ bản để đẩy lùi dịch bệnh và mình có một phần trách nhiệm phải chia sẻ với Chính phủ”, anh Thanh chia sẻ.

Không chỉ chia sẻ “gánh nặng” với ngân sách Nhà nước, anh Thanh còn góp hơn 3 triệu đồng vào quỹ hỗ trợ phòng chống dịch tại địa phương. Đồng thời, những mong được “tiếp sức” cho lực lượng ở tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch tại các “điểm nóng” Bắc Ninh, Bắc Giang, anh Thanh còn dành ra hơn 10 triệu đồng để mua những đồ thiết yếu như nước chanh muối, khẩu trang rồi gửi tặng. “Hai đợt nóng đỉnh điểm vừa rồi, nhiệt độ ngoài trời tầm 40 độ, tôi ngồi ở nhà đã thấy chóng mặt rồi. Đọc báo các bác sỹ mặc bộ bảo hộ kín mít, tôi hình dung ra tình cảnh họ vất vả thế nào, rồi thấy có một nhân viên y tế nói cần nước chanh muối để bù nước cho cơ thể nên tôi ủng hộ cái họ cần”, anh Thanh tâm sự.

Khi dịch covid-19 bùng phát, ai cũng lo lắng về nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, chứng kiến các nhân viên y tế, bộ đội, công an ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tại những “điểm nóng” dịch bệnh, anh Nguyễn Đức Hùng, ở Hà Nội, cũng nhận thấy mình phải có trách nhiệm với tổ quốc. Không thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch anh đã chọn cách hỗ trợ 100 triệu vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 của Chính phủ. “Tôi cho rằng khi đất nước cần thì chúng ta cần chung tay, có thể bằng tiền, vật chất, ít hoặc nhiều hoặc bằng công sức, ví dụ như sự đóng góp của các y, bác sỹ là vô giá”, anh Hùng quan niệm.

Với mỗi cá nhân, 100 triệu hay 5 triệu đồng là số tiền không nhỏ. Trong thời điểm dịch bệnh, kinh tế khó khăn, số tiền ấy càng thêm giá trị. Hơn thế, đây là số tiền đóng góp hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện vì sự an toàn của cộng đồng, sự phát triển của đất nước. Chính vì thế, theo Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đó là nguồn hỗ trợ “vô giá”: “Những đóng góp như vậy cho thấy khi một chính sách đúng thì người dân sẵn sàng đóng góp. Thậm chí, nhiều em bé sẵn sàng “mổ lợn” tiết kiệm đóng góp. Đây là cách “góp gió thành bão” và là truyền thống, nét văn hóa từ xa xưa rồi, càng khó khăn càng gắn kết dân tộc. Chúng ta đã thấy điều đó qua cuộc chiến tranh. Người dân sẵn sàng dỡ nhà lót đường cho xe qua để vào chiến trường. Bây giờ, vẫn là truyền thống đó nhưng được thể hiện lại qua một “cuộc chiến” khác – cuộc chiến chống "giặc Covid-19”. Bằng cách thành lập Quỹ Vắc xin, Chính phủ đã khơi dậy được sức mạnh vốn có trong trái tim mỗi người dân”, ông Dũng chia sẻ.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của người dân trong chiến lược tiêm vắc xin, chắc chắn chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh.