Chống lại quá trình ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề nan giải không chỉ ở nước ta, mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu không sớm có sự can thiệp, ngăn chặn việc thải rác nhựa ra môi trường biển, cuộc sống của chúng ta và các thế hệ sau sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Cùng chung nỗ lực với thế giới, nhiều cá nhân, tổ chức đã và đang tích cực hành động mạnh mẽ, nỗ lực với nhiều sáng kiến nhằm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa ra biển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Nhằm mục tiêu tăng cường, cải thiện việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa thông qua các đường như sông nước, kênh đào và các vùng lân cận chảy ra biển, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đã thực hiện thành công Dự án “Quản lý rác thải ở tỉnh Nam Định”.

“Nguồn rác thải nhựa đến từ nhiều hoạt động trên đất liền, xả thải ra các dòng chảy như sông suối, kênh rạch. Đây chính là những đường dẫn khiến rác thải ra biển” - bà Hồ Thị Yến Thu, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng phân tích.

Dự án mong muốn góp thêm tiếng nói chung vào việc nói không với rác thải nhựa, giảm tối đa việc sử dụng rác thải nhựa trong đời sống. Đặc biệt với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni-lông, hộp đựng đồ ăn, cốc…) đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Theo bà Yến Thu, rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái mà gây tác động không nhỏ tới sinh kế của người dân. Dự án “Quản lý rác thải ở tỉnh Nam Định” góp phần thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan như khối Doanh nghiệp, các nhà khoa học để tạo nên các giải pháp công nghệ, nhằm cải thiện vấn đề thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa ra đại dương. Bà Thu cho rằng điều này vô cùng quan trọng cho tương lai khi câu chuyện rác thải nhựa đang là vấn đề lớn trên toàn cầu.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng cho rằng, việc xử lý rác thải nhựa không phải là câu chuyện của riêng ai mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội. Với mô hình “Nhật ký giảm thiểu rác thải”, Trung tâm Môi trường và Nghiên cứu Cộng đồng đã xây dựng thành công hệ thống thu gom, phân loại xử lý rác thải nhựa, cho một cộng đồng xanh và thành phố khỏe mạnh.

Hình thức thực hiện là mỗi người dân có một tờ giấy dán ở nhà, có đề tên và ghi chép mỗi ngày sử dụng bao nhiêu túi ni lông và giảm dần theo các ngày kế tiếp. Kết thúc một tháng, tổ dân phố sẽ tổng hợp những số liệu ghi nhận được và tổ chức trao thưởng cho các gia đình, cá nhân thực hiện tốt.

Bà Nguyễn Ngọc Lý cho rằng việc nâng cao nhận thức, giáo dục trong trường học là vô cùng quan trọng. Thế nên, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng đã phối hợp và tập huấn cho lãnh đạo các chi đoàn thanh niên ở trường học và khu dân cư. Theo bà Lý đây là một giải pháp sáng tạo, lâu dài để thế hệ thanh niên hiểu được tầm quan trọng của việc xử lý rác thải nhựa.

“Ở trường học, chúng tôi nâng cao nhận thức cho các em học sinh về rác thải nhựa, về cách xử lý rác, giúp các em dần có những suy nghĩ và thay đổi hành vi trong sử dụng vật dụng hàng ngày, trong cách tiêu dùng” - Bà Nguyễn Ngọc Lý cho biết.

Mong muốn truyền tải thông điệp và vận động du khách bỏ rác đúng nơi quy định, đoàn thanh niên ở nhiều tỉnh, thành giáp biển trên cả nước đã tổ chức các chương trình làm sạch biển, nói không với rác thải nhựa. Chị Hoàng Phương Thùy, Bí thư Đoàn phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng chia sẻ về chiến dịch “Hãy làm sạch biển” đã trở thành một phần không thể thiếu vào dịp cuối tuần của tuổi trẻ Đồ Sơn.

Chị Thùy chia sẻ “90% rác thải nhựa là do khách du lịch, người dân tiện tay xả thải, vứt những chai nhựa xuống biển. Khi nước lên cao, rác thải đọng lại ven kè rất nhiều”.

Những chiếc túi ni lông, chai lọ, vỏ xốp… bị sóng biển đánh dạt vào bờ, mắc vào những khe đá đều được các bạn đoàn viên, thanh niên thu gom cẩn thận. Hoạt động này nhận được sự chung tay hưởng ứng của đông đảo các bạn trẻ như Hoàng Đình Đạt.

“Những vỏ chai nhựa, túi bóng, đồ hộp...mình thu dọn rất nhiều. Buổi sáng đi tập thể dục, tiện thấy rác là nhặt luôn, làm cho biển sạch hơn” - Đạt vui vẻ kể.

Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” của tuổi trẻ Đồ Sơn cũng như nhiều chiến dịch thiết thực của các tỉnh, thành trên cả nước đã góp phần lan toả, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và truyền đi những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường biển, bảo vệ bảo tồn và đa dạng sinh học, hướng tới sự phát triển.