Vịnh Hạ Long nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, có diện tích 1.553 km2 bao gồm 1.969 hòn đảo (trong đó 980 hòn đảo đã có tên). Nơi đây là vùng biển đẹp nổi tiếng trên thế giới và rất giàu tiềm năng cho phát triển du lịch với cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc và những hệ sinh thái điển hình, độc đáo.
Đêm 16/9/2023 (giờ Việt Nam), Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh và quần thể đảo Cát Bà thuộc TP Hải Phòng chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, di sản thế giới, vịnh Hạ Long đang gặp phải vấn đề rác thải, túi ni lông, chai đồ nhựa dùng một lần, phao xốp bè tre, gỗ trôi nổi trên biển làm ô nhiễm môi trường nước và hình ảnh của vịnh.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Vịnh Hạ Long có khoảng bốn tấn rác, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển. Để góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức của người dân, du khách, nhiều chương trình bảo vệ môi trường đã được triển khai mạnh mẽ tạo sức lan tỏa trong cộng đồng như: “Ngày chủ nhật vì một Hạ Long xanh”; “Hãy làm sạch biển”; “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”… Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thực hiện nhiều đợt giám sát công tác bảo vệ môi trường, qua đó, kịp thời tham mưu báo cáo và đề nghị các đơn vị liên quan xử lý các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày Ban quản lý Vịnh Hạ Long duy trì 12 tàu thu gom rác, cao điểm có ngày lên tới 20 tàu thu gom và tập kết rác để đưa về bờ xử lý. Phần lớn rác trôi nổi trên mặt vịnh là hộp xốp đựng thức ăn, cốc nhựa, mảng tre, túi nilon, đồ ăn thừa và nhiều nhất vẫn là phao xốp. Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Tân, Phó Ban quản lý Vịnh Hạ Long các hoạt động này là chưa đủ nếu như nhận thức của người dân và du khách với việc bảo vệ môi trường còn chưa thay đổi. "Điều quan trọng là tăng cường kiểm soát nguồn rác từ ven bờ. Ban quản lý vịnh cũng phối hợp với các bên liên quan để nghiên cứu biện pháp chặn rác từ nguồn để không đẩy ra ngoài vịnh. Còn với rác trên vịnh, Ban quản lý cũng có những giải pháp và nghiên cứu kỹ lưỡng là vào thời điểm nào, bám con nước, triều cường hay triều kiệt đặc biệt là rác rất hay đi theo luồng để thu gom hiệu quả nhất.", ông Tân cho biết.
Cùng với sự tham gia của các cấp chính quyền, người dân ở Hạ Long cũng tự giác tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Mỗi buổi chiều cuối tuần nhóm tình nguyện viên “Vì một Hạ Long xanh” bắt đầu công việc dọn rác của mình. Gần 20 thành viên từ các cô chú lớn tuổi, các bạn thanh niên đến các em bé đi theo bố mẹ đều mang theo bao tải dứa, găng tay, cây kẹp rác,... nhặt từng chai nhựa, vỏ lon, vỏ bánh kẹo rải rác trên mặt cát và cả rác thải đủ loại theo sóng dạt vào bờ. Anh Nguyễn Đăng Huy, trưởng nhóm “Vì một Hạ Long xanh” cho biết dù không thể nào nhặt hết được rác trên bờ biển, nhưng với sự nhiệt tình của các thành viên trong nhóm, hy vọng sẽ có thể lan tỏa được đến với nhiều người hơn, tác động đến ý thức của mọi người. Qua đó có thể thay đổi suy nghĩ của mọi người, vứt rác đúng nơi quy định và bảo vệ môi trường.
Với suy nghĩ “hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”, hoạt động dọn dẹp vệ sinh bãi biển luôn được người dân, các cơ sở kinh doanh du lịch tại Hạ Long tích cực tham gia. Để giữ gìn hệ sinh thái biển và phát triển du lịch bền vững, nhiều cơ sở lưu trú, đơn vị du lịch đã thiết kế các tour du lịch “nhặt rác” được nhiều du khách và người dân hưởng ứng, nhất là du khách nước ngoài. "Ban đầu chúng mình cũng chỉ đến du lịch thôi, nhưng sau khi đi tham quan các bãi biển Hồng Vàn, Tình Yêu lại vừa cùng tham gia dọn rác cùng nhau thì cũng rất vui, có nhiều kỷ niệm để nhớ về. Sau đấy thì mọi người cũng đăng ảnh lên mạng xã hội để nhiều người cùng biết đến, lan toả những điều tích cực về bảo vệ môi trường", chị Nguyễn Thị Mai Trang, một khách du lịch từ Hà Nội hào hứng.
Rác thải gây ô nhiễm môi trường biển vẫn luôn là vấn đề nhức nhối đối với Quảng Ninh, nơi có đường bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp bậc nhất miền Bắc. Riêng tại Hạ Long, các hoạt động kinh tế - xã hội sôi động đã khiến vịnh di sản phải “oằn mình” gánh hàng tấn rác thải, nước thải mỗi ngày. Cùng với nỗ lực chặn và xử lý rác từ nguồn thải, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp sẽ giúp nhân lên những “chiến binh diệt rác”, luôn ứng xử có trách nhiệm đối với môi trường và hệ sinh thái tự nhiên, vì một Vịnh Hạ Long xanh - sạch - đẹp./.
Mời nghe phóng sự tại đây: