Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Trần Hoàng Công, quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã gác lại giấc mơ học lên đại học. Lý do là bố mất sớm, một mình mẹ với công việc thuần nông không thể gồng gánh nuôi 3 anh em ăn học. Tuy nhiên, làm thế nào để không rơi vào cảnh “vừa thất học vừa thất nghiệp” cũng là điều khiến em trăn trở. Đúng lúc ấy, Công được người quen giới thiệu tới Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp (REACH), có trụ sở tại Hà Nội với những chương trình, chính sách hỗ trợ cho thanh niên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Nắm bắt cơ hội, Công tìm đến và được hỗ trợ một khóa học về thiết kế đồ họa với mức phí khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, hàng tháng em còn được trợ cấp một khoản nhỏ gồm tiền ăn, thuê trọ…. Đó là thực tế mà trong mơ em cũng chưa từng nghĩ tới. “Viện REACH hỗ trợ cho em khoảng 1 triệu đồng, gồm tiền ăn, tiền thuê trọ... Em tự hứa với bản thân phải học tập tốt để đền đáp công ơn cha mẹ và thầy cô”, Công chia sẻ.

Không chỉ riêng Công, trong 15 năm qua, hơn 21.000 bạn trẻ có hoàn cảnh tương tự đã và đang được REACH tư vấn, hỗ trợ học nghề miễn phí với các ngành, nghề như tin học, nấu ăn, làm tóc, chăm sóc sắc đẹp… Trong số này, nhiều người đã ra nghề, có việc làm ổn định và thu nhập ở mức khá. Thậm chí, có những học viên còn mở cơ sở riêng, trở thành “ông chủ, bà chủ”. Trường hợp chị Kim Dung, chủ một cơ sở làm tóc ở Hà Nội là một ví dụ.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, bố là bệnh binh nên chị Dung phải nghỉ học từ sớm, phụ giúp mẹ làm công việc đồng áng. Khi đủ tuổi lao động, chị xin vào làm công nhân tại một số doanh nghiệp gần nhà. Chăm chỉ làm ăn nhưng thu nhập vẫn không đủ trang trải. Mơ ước học nghề và mở một tiệm làm tóc vì thế sẽ mãi chỉ là ước mơ nếu chị không được giới thiệu và tìm đến REACH. “Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có một cửa hiệu làm tóc ở Hà Nội. Tôi muốn gửi lời cảm ơn thầy cô, cảm ơn REACH đã cho tôi cơ hội nghề nghiệp để có ngày hôm nay”, chị Dung chia sẻ.

Trường hợp anh Lý Văn Lâm, quê ở Bắc Giang cũng là một điển hình. Cách đây hơn 8 năm, anh từng mơ ước học một khóa tin học, chuyên về thiết kế đồ họa. Nhưng sau khi tìm hiểu anh được biết học phí cho một khóa học như thế lên tới 60 triệu đồng, vượt quá khả năng tài chính của gia đình. Những tưởng sẽ phải gác lại giấc mơ thì anh may mắn được REACH hỗ trợ một khóa học như mong muốn. Nắm bắt và tận dụng cơ hội nghề nghiệp, giờ đây anh đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này.

Từ những gì đã trải qua, anh Lâm cho rằng thời điểm và cách thức hỗ trợ là vô cùng quan trọng. Rất có thể anh đã không có ngày hôm nay nếu không được REACH hỗ trợ vào đúng lúc anh còn trẻ và đam mê học về đồ họa. Chính vì thế, khi được REACH mời về làm giảng viên, anh đã nhận lời ngay mà không một phút chần chừ. “Nhờ có REACH thì tôi mới có cơ hội học nghề mình yêu thích. Khi được hỗ trợ rồi, tôi càng hiểu sự thiết thực của các khóa học nên tôi muốn hỗ trợ lại các bạn từng như tôi hồi trước. Đó là lý do, dù đang có công việc tốt, ổn định nhưng nhận được lời mời về giảng dạy tại REACH tôi đã nhận lời về luôn”, anh Lâm tâm sự.

Trao đổi với phóng viên VOV2, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp (REACH) cho biết, tất cả các bạn thanh niên thuộc nhóm yếu thế tìm đến REACH đều được tiếp cận các chương trình, chính sách một cách công bằng. Sau đó, Viện sẽ tìm hiểu sâu hơn về hoàn cảnh của từng học viên, trên cơ sở đó sẽ tư vấn kỹ hơn và có chính sách trợ giúp phù hợp nhất với từng cá nhân. “REACH có hoạt động thăm nhà để hiểu hoàn cảnh của các bạn cũng như nhu cầu thực sự của họ. Đây cũng là cách để chúng tôi kết nối với gia đình học viên. Khi nắm rõ hoàn cảnh của từng bạn, chúng tôi sẽ có sự hỗ trợ phù hợp. Ví dụ, có bạn đang sống ở làng trẻ em SOS, các bạn ấy đang có một số hỗ trợ nào đó thì chúng tôi sẽ hỗ trợ những cái khác để không trùng lặp hoặc có một số bạn sống ở vùng sâu, vùng xa, chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ khác…. Tức là, REACH dựa trên đánh giá thực tế về hoàn cảnh, nhu cầu và mức độ của từng bạn để hỗ trợ”, chị Huyền cho biết.

Về cơ bản, thanh niên thuộc nhóm yếu thế khi đến với REACH đều được tư vấn, hỗ trợ miễn phí với các khóa học từ 1 đến 6 tháng. “Đặc thù của học nghề là 80% thời gian học là thực hành. Có một số nghề như nấu ăn, pha chế còn phát sinh chi phí như tiền mua nguyên liệu, REACH cũng tài trợ”, chị Huyền cho biết.

Chị Huyền cho biết chi phí để triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề cho học viên trong 15 năm qua là do các mạnh thường quân ở trong ngoài nước tài trợ. “REACH không chỉ tạo được niềm tin với người học mà còn với nhà tài trợ. Khi các mạnh thường quân thấy đây là mô hình hoạt động hiệu quả và họ tin tưởng thì họ tài trợ. Sứ mệnh của REACH là hỗ trợ nghề theo định hướng thị trường cho các nhóm yếu thế. Chúng tôi có kế hoạch mở rộng mô hình để có thêm nhiều người yếu thế được học nghề, lập nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ không ngừng nghiên cứu thị trường việc làm để thiết kế các khóa học phù hợp”, chị Huyền cho biết.

Thực tế cho thấy vì những lý do, hoàn cảnh khác nhau, nhiều thanh niên không thể tiếp cận các cơ hội học tập, nghề nghiệp. Thấu hiểu điều này, Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp (REACH) đã triển khai các hoạt động tư vấn và hỗ trợ nghề. Đây là sáng kiến nhân văn, giúp cho hàng chục nghìn thanh niên nghèo lập nghiệp, vượt lên hoàn cảnh trong 15 năm qua. Có lẽ không quá lời khi nói rằng REACH là điểm tựa những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và mong muốn vươn lên qua con đường học nghề.

Nghe bài viết dưới đây: