Trở về từ “địa ngục trần gian”

Năm 1965, nghe theo tiếng gọi của Đảng, chàng thanh niên Lâm Văn Bảng, quê ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội xung phong gia nhập quân đội. Với tinh thần ấy, ông được Đảng tin tưởng, giao phó những vụ quan trọng. “Tôi chiến đấu ở nhiều điểm nóng với những chiến dịch như Bodot, Junction City, chiến dịch Tết Mậu Thân... Nhiều lần bị dính các mảnh bom, đạn. Trên cơ thể hiện vẫn còn 15 vết thương. Tôi nhớ, trong một trận giao tranh ác liệt vào tháng 5 năm 1968, tôi bị một mảnh pháo xuyên thủng bụng, chân và tay bị gãy. Tôi ngất đi. Khi tỉnh dậy thì thấy mình bị rơi vào tay địch”, ông Bảng nhớ lại.

Sau đó, ông Bảng bị giam ở nhà lao Biên Hòa. Tại đây, dù người đầy thương tích nhưng ông và nhiều đồng đội vẫn phải hứng chịu những đòn tra tấn về thể xác, ức chế về tinh thần. “Đến giờ những hình ảnh đồng đội tôi bị tra tấn vẫn luôn luôn ám ảnh tôi. Trong một đêm mưa, cống tắc, chuột bò lên, đồng đội của tôi bị chấn thương sọ não, bị địch bắt giam, nằm ở phòng bên cạnh, tôi nghe tiếng kêu yếu ớt rồi lịm dần vì bị chuột cắn chân, cắn tai, cắn mũi đến chết”, ông Bảng nhớ lại.

Tuy nhiên, theo ông Bảng, đấy chưa phải là điều khủng khiếp nhất. “Sau một thời gian bị giam ở nhà lao Biên Hòa, tôi bị địch chuyển về nhà lao Phú Quốc. Tại đây, tôi, tôi tiếp tục chứng kiến nhiều đồng đội bị đày ải, tra tấn dã man như thời trung cổ. Nhiều đồng chí, chiến sỹ cách mạng bị địch đục răng, móc mắt, quăng người vào chảo nước sôi, đóng đinh vào thân thể…Đây thực sự là cõi ngục của trần gian”, ông Bảng rơm rớm nước mắt kể về những hình thức địch tra tấn đồng đội năm xưa.

Ông Bảng cho biết, tính đến khi được trả tự do vào năm 1973 - sau hiệp định Paris, ông bị giam 4 năm, 8 tháng và 7 ngày. Trong suốt thời gian đó, ông chứng kiến hầu hết các đòn tra tấn dã man, tàn bạo nhất của kẻ địch đối với các chiến sỹ cách mạng.

Biến đau thương thành những bài học vô giá

Trong suốt những năm tháng chiến đấu, ông Lâm Văn Bảng là người thường xuyên được đơn vị giao nhiệm vụ làm công tác thương binh, liệt sỹ. Càng đau xót bao nhiêu, ông càng trăn trở bấy nhiêu về những hy sinh, mất mát của đồng đội. Chính vì thế, khi trở về đời thường, ông luôn đau đáu phải làm gì để phơi bày tội ác của kẻ thù, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Nghĩ là làm. Từ năm 1985, ông và một số cựu chiến binh từng là cựu tù Phú Quốc âm thầm đi sưu tầm hiện vật. “Tôi viết hàng ngàn lá thư cho những đồng đội, những người bạn tù còn sống ở khắp mọi miền tổ quốc để hỏi thông tin về những kỷ vật họ còn lưu giữ. Có thông tin rồi, chúng tôi lại lặn lội đến gặp, thuyết phục đồng đội tặng lại cho bảo tàng. Nhiều hiện bật, chúng tôi phải phải lui tới hàng chục lần, vượt hàng nghìn km mới xin được”, ông Bảng tâm sự.

“Đơn cử như lá cờ búa liềm được thấm bằng máu của anh em tù do ông Dư ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội cầm giữ. Tôi và anh em trong bảo tàng phải đến gặp anh Dư không dưới mười lần mới mang được lá cờ về bảo tàng; chiếc bấm móng tay, chúng tôi phải 4 lần đi từ Hà Nội vào Khánh Hòa và ngược lại mới thuyết phục thành công người lưu giữ nó tặng lại cho bảo tàng”, ông Bảng nêu ví dụ.

Tháng 12/2004, khi có trong tay một lượng hiện vật nhất định, ông thành lập “Phòng truyền thống chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày” ngay tại khuôn viên của gia đình.

Sau hơn 2 năm hoạt động, với hàng vạn lượt khách tham quan, Phòng truyền thống được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận chuyển đổi mô hình hoạt động thành Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày với khuôn viên rông hơn 2.000 m2 và hàng nghìn hiện vật.

Mỗi năm, bảo tàng thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan. Đáng nói, mỗi cá nhân khi tới đây đều như được tiếp lửa truyền thống cách mạng. Chị là Lê Thị Hảo, ở xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội là một trong số đó. “Xem những hiện vật, em hiểu hơn về ý chí chiến đấu kiên trung, bất khuất của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày cũng như công lao to lớn của lớp lớp cha anh để chúng em được sống trong hòa bình hôm nay. Em thấy mình phải tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống cách mạng, có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn nền độc lập hôm nay”, chị Hảo chia sẻ.

Tương tự, mỗi lần đến tham quan bảo tàng, chị Trương Thanh Hưng, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội cũng đều dâng trào cảm xúc tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của cha anh. Để nhân lên truyền thống đó, chị Hưng đã tổ chức những buổi tham quan cho chị em hội viên, giao lưu với các nhân chứng sống - cựu tù Quốc - những người đã dành thời gian, công sức đi sưu tầm hiện vật và hàng ngày đang miệt mài lau chùi, trưng bày, thuyết minh… tại bảo tàng. “Chúng tôi luôn coi Bảo tàng cách mạng bị địch bắt tù đày là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng. Tại đây, chị em hội viên sau khi tham quan đều thấm đượm tinh thần chiến đấu bất khuất, sự cống hiến của thế hệ cha anh. Từ đó, trong cuộc sống đời thường, ai nấy đều thấy mình phải có trách nhiệm giữ gìn nền độc lập hôm nay và không ngừng lao động, sản xuất để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”, chị Hưng cho biết.

Nơi tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc

Gần 10 năm nay, cứ mỗi sáng, dù trời mưa hay nắng, ông Nguyễn Đình Quốc đều bắt xe buýt từ phố Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội xuống thị trấn Phú Xuyên, rồi đi bộ gần 2 km để đến Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng ở xã Nam Triều. Tại đây, việc đầu tiên ông Quốc thường làm là thắp hương cho những đồng đội đã ngã xuống - các anh hùng liệt sỹ. “Năm 2013, tôi về thăm bảo tàng, tôi thấy đây là nơi mình phải đóng góp, phải làm gì đó để tri ân đồng đội. Bởi, tôi cũng là cựu tù Phú Quốc. Bao nhiêu anh em của tôi đã hy sinh thì mình mới được trở về”, ông Quốc tâm sự.

Là nhân chứng sống, hơn ai hết ông Quốc hiểu rõ về những đau thương, mất mát cũng như ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu kiên trung, bất khuất của đồng đội năm xưa. Chính vì thế, mỗi ngày đến bảo tàng, được nhìn ngắm hiện vật, rồi kể cho thế hệ trẻ hôm nay nghe về những gì đã từng chứng kiến, đã trải qua tại nhà tù Phú Quốc, ông còn thấy như được trở về với ký ức đầy tự hào.

Mỗi ngày đến bảo tàng, ông Kiều Văn Uỵch - cựu tù Phú Quốc, cũng đều thấy mình như được đắm mình với quá khứ, dù đau thương nhưng đầy kiêu hãnh. Thay cho lời muốn nói với đồng đội, ông thường tham gia việc lau chùi, bảo quản, trưng bày hiện vật, rồi kể cho khách tham quan về tinh thần chiến đấu của những “bạn tù” năm xưa. “Tôi tham gia công việc tại bảo tàng là để tri ân các anh hùng liệt sỹ. Tôi muốn thông qua các hiện vật, thế hệ trẻ thấy được sự hy sinh anh dũng của đồng đội tôi, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ thành quả mà đồng đội tôi đã góp phần làm nên - nền độc lập, chủ quyền của đất nước hôm nay”, ông Uỵch chia sẻ.

Ông Lâm Văn Bảng chia sẻ, ngoài ông Quốc, ông Uỵch còn có một số “bạn tù” nữa cũng thường xuyên đến đây làm việc không lương với mục đích “trả ơn” những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của tổ quốc. “Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày hiện có 15 người, chủ yếu là những cựu tù Phú Quốc. Chúng tôi hoạt động với tinh thần tự nguyện, tự túc, tự quản và tự chịu trách nhiệm”, ông Bảng cho biết.

Từ khi thành lập đến nay, người dân ở nhiều vùng, miền cũng tìm về Bảo tàng Chiến sỹ bị địch bắt tù đày để thắp hương tri ân. Ông Bảng cho biết, trong số ấy có nhiều người đến đây với khao khát nhớ lại, muốn tìm chút hình hài của chồng, vợ, con họ đã hy sinh nơi chiến trường. Bởi tại đây, trong số những hiện vật đang trưng bày có cả những di vật đã thấm máu của các chiến sỹ cách mạng.

Nghe bài viết dưới đây: