Ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nhắc đến gia cảnh ông Đỗ Đức Địu và bà Phạm Thị Nức, không ai có thể kìm được cảm xúc. Trong số khoảng 7.000 nạn nhân chất độc da cam tại tỉnh Quảng Bình, có lẽ vợ chồng ông Địu bà Nức là trường hợp đau lòng nhất.
Năm 1972, khi quân đội ta dốc toàn lực cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đát nước, ông Địu lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, ông được biên chế vào một đại đội trực tiếp chiến đấu tại chiến trường rừng Trường Sơn và Mỏ Tàu, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
May mắn hơn nhiều đồng đội, ông hoàn thành nghĩa vụ với tổ quốc và trở về lành lặn. Khi đó, như bao trai làng, ông yêu và kết hôn với cô gái Phạm Thị Nức - nữ thanh niên xung phong cùng xóm. Những tưởng đã tìm thấy hạnh phúc nhưng thực tế, là sự khởi đầu của chuỗi ngày bất hạnh. 15 người con, ngay từ khi sinh ra đều bị dị tật và mắc những chứng bệnh quái ác do ảnh hưởng của chất độc da cam. Trong đó, 12 người đã mất. Tất cả đều do tự tay ông chôn cất.
Thật khó có thể tả hết nối đau của người làm cha. Vợ ông Đức - bà Phạm Thị Địu là người dứt ruột sinh con ra, cũng đau lòng không kém. “Ngày xưa mình không biết bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Sinh con ra ai cũng muốn con mình lành lặn. Khi con lần lượt ra đi, mình cứ ngất lên ngất xuống”, bà Địu tâm sự.
Thống kê cho thấy, chất độc da cam đã khiến cho khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới chỉ rõ chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ phận của cơ thể, như ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh… Chất độc này còn làm đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở thế hệ con, cháu nạn nhân chất độc da cam có thể kể đến như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, dị dạng, dị tật bẩm sinh… Nỗi đau đó không thể nói thành lời. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ Trưởng Bộ thông tin và Truyền thông - người từng “vào sinh ra tử” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hậu quả mà chất độc da cam gây ra vẫn chưa dừng lại.
“Bạn của tôi ở Hà Tĩnh có 3 người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Khi đến chơi, tôi ngồi trong nhà chỉ 2 tiếng mà đã thấy mệt mỏi, vì đứa thì la, đứa thì hét. Vậy mà hai vợ chồng người bạn cùng chiến đấu với tôi phải sống cả đời người trong hoàn cảnh như thế! Nó nặng nề lắm”, Tiến sỹ Lê Doãn Hợp bày tỏ.
Ngoài nỗi đau về thể chất và tinh thần, nạn nhân chất độc da cam còn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi. Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nhiều nạn nhân do mất khả năng nhận thức và lao động nên đang phải sống cảnh nghèo khổ. Dù đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân nhưng nạn nhân da cam vẫn là đối tượng khó khăn nhất trong số những người nghèo. “Nạn nhân da cam là đối tượng nhận được sự ưu ái rất đặc biệt của Đảng, Nhà nước và cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ vẫn là người nghèo. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nói rằng nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong số những người nghèo”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng chất độc da cam - một trong những hệ lụy mà nó gây ra vẫn kéo dài cho đến hôm nay. Không chỉ tàn phá sức khỏe, tinh thần của những người bị ảnh hưởng trực tiếp, chất độc da cam còn đang phá hủy tương lai của một bộ phận những người trẻ - thế hệ con cháu của nạn nhân. Đây cũng là yếu tố khiến cho ngân sách nhà nước vốn chưa hẳn rồi rào càng lại thêm nặng gánh an sinh.
Nghe bài viết dưới đây: