Học sinh háo hức, phụ huynh an lòng
17 tuổi, Hương Thảo, nhà ở quận Tây Hồ, Hà Nội mang dáng dấp của một thiếu nữ xinh xắn, thông minh. Tuy nhiên, giờ đây em mới học chương trình lớp 2. Thảo chia sẻ như thế đã là điều may mắn với em, bởi lẽ, em đã tìm hiểu và gõ cửa nhiều nơi để thực hiện ước mơ được đến trường nhưng đều bị từ chối vì quá tuổi. “Cháu học hết lớp 1 thì phải nghỉ học vì gia đình cháu gặp vấn đề. Cháu đi làm, tới đâu cũng thấy người ta hỏi bằng cấpg. Cháu muốn học để thay đổi bản thân nhưng không biết nơi nào để xin học”, Thảo chia sẻ.
Gạt bỏ tự ti, sỹ diện sang một bên, Thảo quyết tâm làm lại từ đầu. Dự định học xong chương trình lớp 5 của lớp học tình thương tại phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Thảo sẽ xin học tiếp lên bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tại một Trung tâm giáo dục thường xuyên. Đích đến tiếp theo là vào đại học. “Cháu mới bắt đầu học từ đầu tháng 10/2024. Hiện cháu học chương trình lớp 2. Mục tiêu của cháu lên lớp nhanh và học lên đại học”, Thảo thổ lộ.
Phải tốn rất nhiều thời gian lần mò, tìm hiểu Thảo mới biết đến và xin vào lớp học tình thương. Đúng như tên gọi, tại đây, ngoài kiến thức, Thảo còn được bà giáo Phạm Thị Huyền và Lã Thị Bảy bù đắp phần nào thiệt thòi của thời thơ ấu bằng sự yêu thương và những lời động viên, khích lệ mỗi ngày. Điều này càng khiến Thảo thêm quyết tâm chinh phục bầu trời tri thức. Mỗi sáng thức dậy, em luôn trong tâm thế mong được đến lớp. Ngay cả khi trời mưa hay lạnh giá, em vẫn di chuyển cả chục km từ nhà ở quận Tây Hồ đến lớp học ở quận Thanh Xuân.
Tương tự, vì bố mẹ không hạnh phúc nên cô bé Trâm Anh, nhà ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông cũng dang dở trong việc học hành. Nhờ có lớp học tình thương, em lại được đi học và nay đã biết đọc, biết viết. Mỗi ngày đến lớp với em còn là một ngày vui. “Con đã biết đọc, biết viết. Cô Huyền và cô Bảy dạy con. Con rất thích đến lớp để được chơi với các bạn.”, Trâm Anh chia sẻ.
Hiện tại sĩ số của lớp học tình thương là 15 học sinh. Mỗi em có một hoàn cảnh đặc biệt nhưng tất cả đều chung một điểm là éo le, thiệt thòi. Em thì bố mẹ ly hôn, em thì bố hoặc mẹ vướng vào vòng lao lý, em thì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền đóng học phí, em thì bị bệnh tự kỷ, có em mắc chứng chậm phát triển về trí tuệ…
Không chỉ mang đến cơ hội học tập, thay đổi cuộc sống cho nhiều em nhỏ, lớp học tình thương còn giúp cho những người cha, người mẹ vơi bớt áp lực từ cuộc sống. “Cháu nhà mình cũng học ở đây. Nhận thức của cháu không được như các bạn bình thường. Bây giờ cháu đã biết chữ. Gia đình rất mừng”, một người mẹ có con bị chậm phát triển về trí tuệ, chia sẻ.
Và niềm vui của người đứng lớp
Bà Phạm Thị Huyền là người đứng ra xin thành lập và trực tiếp “đứng lớp” từ hơn 26 năm nay. “Năm 1998, sau khi chuyển từ Tuyên Quang về Hà Nội, tôi thấy nhiều em nhỏ vì nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau nên không được đến trường. Mình là giáo viên, có thời gian rảnh và còn sức khỏe nên đã đứng ra xin thành lập lớp học để giúp các em biết chữ”, bà Huyền chia sẻ.
Bà Huyền cho biết đã có hơn 200 em nhỏ tham gia lớp học tình thương và trưởng thành. Nhiều em sau khi “tốt nghiệp” lớp học này đã học tiếp lên các bậc học cao hơn. “Trước đây, nhiều em là người bình thường, thông minh. Bây giờ, đời sống kinh tế phát triển, số trẻ vì khó khăn mà đến lớp này không nhiều. Lớp hiện tại chủ yếu là các em có nhận thức kém, chậm phát triển trí tuệ, mắc bệnh tự kỷ….
Mỗi em một hoàn cảnh, tâm lý và nhận thức khác nhau nên việc dạy phụ thuộc vào sức khỏe, khả năng tiếp nhận của mỗi em. “Tôi gọi đây là lớp học linh hoạt. Tôi cứ ra lớp từ 07h00, nhận học sinh và dạy dần cho từng em, chứ không phải ‘tùng, tùng, tùng thì vào lớp và tùng, tùng, tùng thì tan lớp’. Ở đây, cô giáo còn kiêm nhiệm cả việc trông coi, đảm bảo an toàn cho học sinh thì cha mẹ mới yên tâm gửi con đi làm”, bà Huyền cho biết.
Người đứng lớp chẳng khác nào bảo mẫu. Vì thế, nếu không xuất phát từ tình thương và yêu nghề giáo có bà Huyền không thể duy trì lớp học hơn 26 năm nay. “Mỗi ngày đến lớp, thấy các em vui vẻ, tôi cũng hạnh phúc. Hạnh phúc nhất là khi thấy cuộc sống của các em thay đổi, phụ huynh các em vơi bớt áp lực về việc nuôi dạy con”, bà Huyền tâm sự.
Cảm động trước tấm lòng và nghĩa cử của bà giáo Phạm Thị Huyền, hơn 1 năm nay, bà Lã Thị Bảy - một giáo viên về hưu tình nguyện đồng hành. Hàng tuần, bà Bảy và bà Huyền thay nhau lên lớp, vừa dạy kiến thức vừa bù đắp thiệt thòi cho những học sinh đặc biệt bằng những lời động viên, chia sẻ. “Học sinh trong lớp nhiều độ tuổi, tâm lý và nhận thức khác nhau nên việc dạy gặp nhiều khó khăn. Giáo viên chúng tôi phải mày mò, tìm cách làm cho buổi học hấp dẫn. Bài giảng với các em này không thể là các bài diễn văn giáo điều mà thường xen kẽ là những bài học về kỹ năng sống. Ví dụ, chị em tôi tập cho học sinh cắm hoa, hướng dẫn làm bánh…”, bà Lã Thị Bảy cho biết.
Cứ như vậy, bằng cách “vừa dạy vừa dỗ”, lớp học tình thương tại phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội từ lâu trở thành “nơi mong đến” của những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt.
Nghe bài viết dưới đây: