Mấy tháng nay, ông Nguyễn Viết Tăng ở Hoài Đức, Hà Nội thường xuyên lên thăm con là anh Nguyễn Viết Anh tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội. Ông Tăng chia sẻ, mỗi lần lên gặp con, tâm trạng của ông phấn chấn hơn bởi sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của con cả về thể trạng và tinh thần "Cháu bị chậm phát triển tâm thần nặng. Tôi đưa cháu đi nhiều viện nhưng không đỡ nhiều. Ở nhà thì cháu cáu gắt, đôi lúc đánh vô cớ những người xung quanh, hàng xóm ai cũng e dè. Lên đây, cháu được trung tâm chăm sóc thì khỏe mạnh, tỉnh táo hơn so với ở nhà".
Ông Tăng và vợ đều là nông dân, thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào cây lúa, luống rau. Kinh tế gia đình eo hẹp nên nếu không có Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội, ông không biết làm thế nào để chăm sóc tốt nhất cho con mình. Từ khi Viết Anh được vào Trung tâm điều trị, ông không những vui vì sức khỏe, bệnh tình của con phục hồi tốt mà ông còn trút được gáng nặng về chi phí điều trị.
Không cáu giận vô cớ và đánh người như Viết Anh nhưng anh Lê Văn Sang, quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội cũng từng không kiểm soát được hành vi của mình. "Lúc ở nhà em nó quậy phá. Mẹ em ăn không ngon, ngủ không yên. Sang cứ ra bãi rác, thấy vật gì có màu sắc là nhặt về, treo kín người, đeo quanh cổ", anh Đào Văn Thành, người thân của anh Sang nhớ lại những tháng ngày người em ở nhà. Vậy nhưng chỉ vài tháng sau khi được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng và Chăm sóc người tâm thần số 2 Hà Nội, anh Sang đã thay đổi rõ rệt. Không chỉ béo tốt, khỏe mạnh mạnh hơn, anh còn nhận biết được được bệnh tình của mình và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sỹ. "Em ăn sáng, ăn trưa và ăn tối đúng giờ. Em mong nhanh khỏi để được về với gia đình",
Những chuyển biến tích cực về thể trạng và sức khỏe tinh thần của anh Sang khiến người thân như vỡ òa cảm xúc mỗi khi lên thăm. "Thấy con béo khỏe, tỉnh táo, tôi hoàn toàn yên tâm. Vui quá nên nhiều hôm không ăn mà quên cả đói", bà Đào Thị Mười - mẹ của anh Sang thổ lộ. "Ngày trước ở nhà sức khỏe của cháu được 1, bây giờ được 10. Thấy cháu thay đổi, tôi rơi nước mắt vì vui", bà Lê Thị Nhàn - bác của Sang chia sẻ.
Chứng kiến sự đổi thay từng ngày của người bệnh và những giọt nước mắt vui mừng của người thân, anh Phan Văn Vinh, Trưởng phòng nghiệp vụ và công tác xã hội và các cán bộ, nhân viên của Trung tâm cũng mừng không kém. Anh Vinh cho biết, tại đây, người bệnh được phân loại để chăm sóc và điều trị rất khoa học. "Ở nhà có khi 1 năm bệnh nhân không tắm, nhưng vào đây chúng tôi hướng dẫn bệnh nhân làm lại từ đầu, từ tắm giặt, ăn ngủ, tạo thói quen, dần dần khơi lại được trí nhớ".
Chăm sóc người bệnh đã rất vất vả, chăm sóc người bệnh tâm thần càng vất vả hơn, thậm chí, còn tiềm ẩn rủi ro. Dẫu vậy, anh Vinh và các cán bộ, nhân viên vẫn luôn coi bệnh nhân như người thân của mình. "Có bệnh nhân từng tấn công cán bộ nhưng tất cả vì bệnh nhân nên chúng tôi tìm tòi học hỏi để đảm bảo an toàn cho mình. Họ đánh chúng tôi không phải vì họ ghét mình, hằn thù gì mình mà là vì đầu óc họ không bình thường. Chúng tôi luôn gần gũi, chia sẻ, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho người bệnh"
Cứ như vậy, với cái tâm và sự tận tình, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội đã giúp cho nhiều bệnh nhân nặng phục hồi tích cực, đồng thời nhân lên niềm vui với người thân và cộng đồng.