Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố thông tin có 22 trường đại học dùng điểm thi đánh giá năng lực (SPT) của nhà trường để tuyển sinh đầu vào năm 2025, tăng 13 trường so với năm ngoái. Việc tăng thêm số trường thuộc các khối ngành ngoài sư phạm công nhận và sử dụng kết quả đánh giá năng lực của trường đại học Sư phạm Hà Nội phần nào cho thấy niềm tin của thí sinh và các trường đại học vào chất lượng của phương thức này trong tuyển sinh.

- 2025 là năm thứ tư Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực. Năm nay, hơn 11.500 thí sinh đăng ký, tăng 2,5 lần so với năm ngoái.

- Trong đó, 9 trường đã sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực SPT từ năm ngoái gồm Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm TP HCM, các trường Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Đại học Quy Nhơn, Vinh và Đại học Y Dược Thái Bình.

- 13 trường mới trong danh sách là Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Xây dựng Hà Nội, Quản lý giáo dục, Thủ đô Hà Nội, Tây Bắc, Hải Phòng, Hạ Long, Hoa Lư, Hồng Đức, Tây Nguyên, Thủ Dầu Một, cùng Học viện Quản lý giáo dục và Học viện Phụ nữ Việt Nam.

- Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn gồm 8 môn tương tự năm ngoái gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

- Đề thi kết hợp các dạng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp theo cấu trúc từng bài; đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Thí sinh làm bài trực tiếp tại phòng thi, trả lời các câu hỏi bằng cách tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm và viết trên tờ giấy thi.

TS Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ những thông tin mới về kì thi đánh giá năng lực sắp tới với phóng viên VOV2.

Phóng viên: Thưa ông! Việc có thêm 13 trường sử dụng điểm thi đánh giá năng lực cho thấy sự tín nhiệm chất lượng của kỳ thi từ các nhà trường. Xin ông chia sẻ những điểm mới trong lần thứ 4 tổ chức?

TS Trần Bá Trình: Kì thi đánh giá năng lực của trường đại học Sư phạm Hà Nội năm 2025 có một vài điểm mới. Cụ thể các đề thi sẽ cập nhật theo chương trình phổ thông mới 2018 trong đó có bổ sung các dạng thức câu hỏi mới tương đồng dạng thức câu hỏi của đề thi tốt nghiệp THPT. Đề thi tham khảo, thí sinh và quý vị phụ huynh có thể theo dõi trên trang của nhà trường. Điều này có nghĩa học sinh ôn thi cho kì thi tốt nghiệp THPT cũng đồng thời ôn cho kì thi SPT của trường đại học Sư phạm Hà Nội, không mất thêm thời gian, công sức do tính chất tương đồng về đề thi như tôi đã chia sẻ.

Về điểm thi thì năm 2025 sẽ tăng thêm một điểm, tức là sẽ có 4 điểm thi gồm tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội; trường ĐH Vinh; ĐH Đà Nẵng và trường ĐH Quy Nhơn. Với các điểm thi trải dài dọc từ Bắc đến Nam giúp thí sinh di chuyển ngắn hơn, tăng khả năng tiếp cận kỳ thi, việc lưu trú cũng thuận tiện hơn.

Năm nay số ngày thi cũng kéo dài thêm một ngày, cụ thể vào ngày 17 và 18 tháng 5 năm 2025, đúng vào thứ 7 và CN. Việc tổ chức làm hai ngày giúp thí sinh tham gia được nhiều môn thi hơn để sử dụng điểm xét tuyển vào các trường đại học khác nhau theo các tổ hợp môn tương đối đa dạng. Với thí sinh thi nhiều môn, việc tham gia trong hai ngày cũng khiến giảm áp lực hơn.

Phóng viên: Học sinh 2K7, lứa đầu tiên hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 và cũng lần đầu tham gia đánh giá năng lực theo chương trình mới. Thực sự các em sẽ khá lo lắng và cũng áp lực khi ôn luyện cho thi đánh giá năng lực rồi thi tốt nghiệp THPT. Cá nhân ông có chia sẻ gì về điều này?

TS Trần Bá Trình: Năm nay đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực được nhiều trường đại học công nhận kết quả hơn trong tuyển sinh. Trong đó có nhiều trường đại học mới công nhận ở khối Y dược, khối Nhân văn, khối Kỹ thuật và các trường đại học đa ngành ở địa phương. Với tính chất của một kỳ thi độc lập, học sinh khi đăng ký thi tại đại học Sư phạm Hà Nội có kết quả thi hoàn toàn có quyền xác định xem bản thân sử dụng để xét tuyển vào những trường nào và không giới hạn nguyện vọng xét tuyển. Đây cũng được xem như điểm quan trọng cần chia sẻ. Nhà trường cũng xác định kỳ thi SPT quan trọng nhất trong việc góp phần thúc đẩy đổi mới giáo dục phổ thông, định hướng dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh. Theo đó, cách đặt câu hỏi phải làm thế nào đánh giá được học sinh, giúp các thầy cô tham khảo trong quá trình dạy học. Và kỳ thi khi thu hút được nhiều thí sinh tham gia với nhiều giáo viên hỗ trợ các em trong quá trình ôn tập sẽ tạo nên trào lưu, xu thế mà ở đó các em được tham gia kiểm tra, đánh giá theo đúng tinh thần của đánh giá năng lực. Đó cũng chính là một trong những yêu cầu của chương trình phổ thông mới.

Phóng viên: Việc công bố sớm hơn nửa năm thông tin có thêm các trường sử dụng kết quả đánh giá năng lực của trường đại học Sư phạm Hà Nội theo ông sẽ tác động ra sao tới thí sinh trong lựa chọn cũng như ôn luyện?

TS Trần Bá Trình: Kỳ thi SPT với mục đích tuyển chọn học sinh có năng lực phù hợp, đáp ứng đầu vào của tuyển sinh một số nhóm ngành đào tạo đại học chính quy. Khi lựa chọn được những thí sinh có đầu vào đảm bảo, các trường đại học kỳ vọng các em đáp ứng tốt quá trình đào tạo cũng như đảm bảo chất lượng đầu ra. Ngoài ra kỳ thi SPT còn mong muốn đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh theo nghĩa gia tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh đã sớm định hướng ngành học ở bậc đại học của mình. Ví dụ có những em sớm xác định muốn trở thành giáo viên dạy toán từ giữa năm lớp 11 thì bên cạnh ôn tập để thi tốt nghiệp THPT để lấy điểm xét tuyển vào ngành sư phạm toán của các trường sư phạm trọng điểm, các em còn thêm cơ hội nữa vào trường. Và có nhiều cơ hội xét tuyển thì cơ hội trúng tuyển cao lên. Hơn nữa, kỳ thi SPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng dạng thức, chỉ khác nhau ở mức độ khó vì kỳ thi SPT là kỳ thi tuyển sinh vào đại học nên có yêu cầu cao hơn, yêu cầu đặc thù hơn về năng lực của học sinh.

Phóng viên: Về phía trường đại học Sư phạm Hà Nội, việc có thêm các trường công nhận và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực có tạo nên áp lực cho công tác tổ chức thi và trường Sư phạm đã có những bước triển khai ra sao cho phần việc này?

TS Trần Bá Trình: Quả thực là việc có thêm các trường công nhận và sử dụng kết quả thi đánh giá năng tạo nên áp lực nhất định đối với công tác tổ chức thi. Tuy vậy, nhà trường đang chuẩn bị tích cực, rà soát toàn bộ quy trình, biểu mẫu và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nhằm đảm bảo triển khai kỳ thi SPT chất lượng, hiệu quả và đúng quy định

Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học. Trường đại học Sư Phạm có đề xuất hoặc mong muốn gì từ dự thảo này nhằm giúp các học sinh cuối cấp THPT có thể yên tâm lựa chọn các phương án phù hợp năng lực cũng như nhu cầu?

TS Trần Bá Trình: Hiện nay nhà trường cũng đang nghiên cứu dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học. Về cơ bản nhà trường ủng hộ với các điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo. Còn có thể có một số chi tiết về mặt kỹ thuật nhà trường sẽ cân nhắc và có ý kiến góp ý để bản dự thảo sửa đổi sẽ thực sự phù hợp với bối cảnh tuyển sinh với đối tượng tuyển sinh là học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông.

Mời thính giả bấm nút nghe nội dung trao đổi: