Tới thăm và gặp gỡ các thương binh, bệnh binh đang sinh sống tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), có lẽ ai ai cũng sẽ thấm thía hơn cái giá mà chúng ta phải đánh đổi để có được hòa bình hôm nay. Bởi lẽ nơi đây là môt trong những đơn vị có số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất trực thuộc Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Cụ thể, có tới 90% trường hợp thương, bệnh binh bị thương vùng cột sống, gây liệt 1/2 cơ thể; 10% bị những vết thương tổng hợp như cụt 2 tay, cụt 2 chân, hỏng mắt… Cuộc sống của phần lớn các thương binh đều gắn liền với chiếc xe lăn.

Thương binh Đinh Văn Bách, quê ở tỉnh Thái Bình là một trong số đó. Ông cho biết nghe theo tiếng gọi của tổ quốc và lên đường nhập ngũ năm 1972. Sống sót trở về sau chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, ông lại tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến đấu đến năm 1975, ông bị thương nặng. Sau một thời gian điều trị, ông được đưa về an dưỡng tại đây. “Tôi về đây điều dưỡng từ năm 1976 đến giờ. Bắc Ninh coi chúng tôi như người con thứ 2 của địa phương. Chúng tôi cũng thấy nơi đây là quê hương thứ 2 của mình bởi sự quan tâm, chăm lo của tỉnh Bắc Ninh”, thương binh Đinh Văn Bách tâm sự.

Thương binh Đinh Văn Bách cho biết, do tuổi cao, sức yếu nên vào những ngày thời tiết thay đổi, vết thương hay tái phát. Không chỉ gây đau nhức, thậm chí co giật, những vết thương còn ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ. Đó cũng là những lúc ông cảm thấy trong người bức bối, khó chịu. Trong suốt 47 năm gắn bó với nơi này, đã có những lần, ông không làm chủ được cảm xúc và có lời lẽ chưa đúng mực với các cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, thay vì bị tỏ thái độ, ông cũng như những người đồng đội của mình vẫn luôn nhận được sự chăm sóc tận tình, chu đáo. “Từ bữa ăn đến giấc ngủ, chúng tôi được phục vụ rất tốt. Ví dụ, bình thường thì xuống bếp ăn cơm nhưng hôm nào mệt không xuống thì chỉ cần báo với nhân viên, các anh, các chị ấy sẽ mang cơm lên tận nhà. Mình ăn xong, các anh, các chị sẽ đến dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm, rất chu đáo và vui vẻ”, thương binh Đinh Văn Bách chia sẻ.

Gắn bó hơn nửa đời mình với Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, từ lâu thương binh Đỗ Văn Trà, quê ở tỉnh Hưng Yên coi đây là ngôi nhà thực sự của mình. Ông cho biết, tham gia chiến đấu và bị thương ở chiến trường K, mất 91% sức khỏe, cuộc sống của ông suốt 42 năm nay gắn liền với chiếc xe lăn. Rất khó có thể tả hết sự đau đớn mỗi khi vết thương tái phát cũng như sự bất tiện trong sinh hoạt vì không thể tự đi lại. Tuy nhiên, từ khi vào đây sinh sống, ông luôn thấy ấm lòng bởi không chỉ những vết thương trên da thịt được chăm sóc kịp thời mà nỗi đau về tinh thần cũng được xoa dịu. “Tôi thương nặng nên sức khỏe giảm sút nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đảng và Nhà nước quan tâm nên tôi được vào đây điều dưỡng. Trong này, tất cả anh em đồng đội và cán bộ đều sống vui vẻ, chan hòa như một gia đình lớn”, thương binh Đỗ Văn Trà tâm sự.

Đồng hành với các thương binh, bệnh binh nhiều năm nay, chị Phạm Thị Pha - cán bộ phòng y tế, cũng coi Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành như ngôi nhà thứ hai của mình. Chị cho biết hơn 40 cán bộ, nhân viên - ai nấy đều mang trong mình sự biết ơn và mong muốn được tri ân thông qua công việc thường nhật tại đây. Chính vì thế, bên cạnh việc chăm lo “miếng ăn, giấc ngủ”, những người làm công tác y tế, điều dưỡng còn luôn chia sẻ, động viên về tinh thần cho các thương binh, bệnh binh. “Các thương bệnh binh ở đây mắc nhiều bệnh nền, vết thương lại hay tái phát nên việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt 90% các thương, bệnh binh không có người thân, thiếu tình cảm nên ngoài chữa bệnh bằng, chúng tôi còn chăm sóc về tinh thần, như chuyện trò, trao đổi nhằm động viên các chú, các bác về tâm lý, tinh thần”, chị Pha cho biết.

Cứ như vậy, gần 60 năm nay, Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành thực sự là một gia đình lớn. Bằng trách nhiệm và sự yêu thương, các cán bộ, nhân viên đang làm việc tại “gia đình” này đã góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh.

Nghe bài viết dưới đây: