Đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2023, tỉnh Ninh Bình ghi nhận kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, phong trào đã tạo hiệu ứng tốt, có sức lan tỏa. Nông thôn mới của Ninh Bình đang đi đúng hướng, thực chất và có chiều sâu lả khẳng định của bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình.

Trao đổi với Phóng viên VOV2, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình đến nay đều đạt và vượt tiến độ đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Cụ thể là: 100/119 xã của tỉnh Ninh Bình được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đáp ứng mức đạt chuẩn nông thôn mới của giai đoạn 2021-2025, có 6/6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Kim Sơn là huyện cuối cùng của tinh Ninh Bình được Thủ tướng chính phủ ký quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Cùng với đó, 2/2 thành phố được công nhận là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Như vậy, tỉnh Ninh Bình có 100% cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Ninh Bình cũng đang rất quan tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Tới thời điểm hiện nay, Ninh Bình có 50 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình là phong trào có chiều sâu và có sức lan tỏa nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các hội đoàn thể, đặc biệt bà con rất hưởng ứng. Nhân dân Ninh Bình xác định họ là những người trực tiếp được thụ hưởng thành quả của xây dựng nông thôn mới, chứ không phải xây dựng nông thôn mới cho cơ quan chính quyền, cơ sở nào, người dân là người thụ hưởng trực tiếp.

“Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương và của người dân toàn tỉnh” - bà Nguyễn Thị Lan Anh khẳng định.

Theo bà Lan Anh, phong trào xây dựng nông thôn mới nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ các đồng chí thường trực tỉnh ủy, từ HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ban của đảng, các cấp, chính quyền của huyện, của xã...

Bên cạnh đó, nguồn lực là một phần quan trọng trong các yếu tố để dẫn đến kết quả xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình đạt được kết quả vừa rồi. Tỉnh Ninh Bình là tỉnh tự chủ về ngân sách từ năm 2022, chính vì thế nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến huyện, xã được bố trí sớm, từ đầu nhiệm kỳ, từ đầu năm, chủ động hơn trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Kết quả xây dựng nông thôn mới làm cho cuộc sống, chất lượng sống của cư dân nông thôn đổi mới, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và môi trường, chất lượng sống nâng cao, người dân nhận thấy rõ điều ấy, chứ không phải điều gì xa xôi, chưa thực chất. Nông thôn mới của Ninh Bình là phong trào thực chất và có chiều sâu.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, Ninh Bình ngay từ đầu nhiệm kỳ xác định là chú trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu, thực chất, định hướng mỗi vùng quê là một miền quê đáng sống.

“Về Ninh Bình hôm nay có cây xanh, có đường hoa, có những dòng sông không có rác. Nhìn vào từng ngôi nhà có những hàng cây, có những cây hoa từng góc nhà. Có thể chưa nhìn được ngay cải thiện thu nhập người dân, chỉ cần nhìn không gian sống, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, có thể thấy đây là vùng nông thôn đáng mơ ước” - bà Lan Anh nhấn mạnh.

Nhiều khu vực của nông thôn Ninh Bình trở thành điểm đến của du lịch nông thôn, đang là điểm mới của chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đặt trong bối cảnh là tỉnh Ninh Bình đang hướng đến trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Ninh Bình không chỉ có những danh thắng, những di tích lịch sử, lễ hội văn hóa mà có cả không gian nông thôn đáng sống. Các làng quê của nông thôn Ninh Bình cũng đang mong muốn trở thành các điểm du lịch nông thôn, hướng khách du lịch đến với Ninh Bình.

Nói về xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình, trên cơ sở những kết quả đạt được, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong nhiệm kỳ này. Để đạt được mục tiêu đó theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng không phải đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực của các sở ngành, cả hệ thống chính trị, chính quyền các địa phương, đặc biệt là sự phối hợp, quan tâm, chia sẻ, đồng lòng chung sức của bà con nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh xác định cần làm những nhiệm vụ cụ thể, hoàn thành các quy định, các tiêu chí Thủ tướng chính phủ đã ban hành về quy định đối với tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tỉnh đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành, từng địa phương để hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi kết quả của đơn vị, địa phương như một viên gạch xếp lên nhằm hoàn thành nhiệm vụ lớn của cả tỉnh.

Ngoài ra tỉnh Ninh Bình còn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới các hình thức để những điểm mới, những việc cần làm được lan tỏa, để cư dân nông thôn cảm nhận, biết đến và nỗ lực cùng các cấp chính quyền hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cả tỉnh. Đồng thời, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách tỉnh ban hành và làm sao để bà con dễ dàng tiếp nhận, hưởng ứng và thụ hưởng các chính sách. Đó mới là nền móng vững chắc để phong trào nông thôn mới của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ, có chiều sâu và bền vững, có nền tảng để tiếp tục phấn đấu cho các mục tiêu cao hơn, cho cả giai đoạn tiếp sau./.