Đi ngược với số đông, chị Trần Thị Thuần - người khuyết tật, ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã biến những mảnh đất hoang thành nông trường đầy hoa thơm. Không chỉ phát triển bản thân, chị còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục người cùng cảnh ngộ.

Tuổi thơ bất hạnh và nghèo khó

Ngay từ khi còn nhỏ, chị Trần Thị Thuần, ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội không được may mắn như những đứa trẻ cùng trang lứa. Khiếm khuyết ở chân trái sau trận sốt cao đã khiến chị gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt. “Em bị liệt bên chân trái từ lúc 10 tháng tuổi. Không đi lại được nên em phải bò bằng cả chân và tay. Khi lên 10 tuổi, em cứ bấu vào cái que đời gio, cái que dùng để quấy cám lợn để tập đi những lúc bố mẹ và anh chị đi làm vắng”, chị Thuần nhớ lại.

Đáng buồn hơn, chị Thuần còn phải chịu thêm một nỗi đau như bị mũi dao sắc cứa vào lòng. “Lúc còn nhỏ, mỗi khi đi ra đường, các bạn đều gọi em là con què và dè bỉu em chứ ít khi gọi tên em. Nếu có gọi tên thì cũng gắn thêm biệt danh Thuần thọt. Lớn thêm chút nữa, các chị hàng xóm bảo nhìn mặt thì xinh nhưng chân như thế thì ai thèm lấy”, chị Thuần kể.

Ngoài nỗi bất hạnh, trong suốt những năm tháng tuổi thơ, chị Thuần còn chịu nhiều thiệt thòi bởi gia cảnh nghèo khó. “Bố mẹ em làm nông nghiệp nhưng chả mấy khi trong nhà đủ gạo ăn. Em có 5 chị em gái nhưng đều phải nghỉ học giữa chừng hết. Các chị nghỉ học để đi làm kiếm sống. Em cũng chỉ học hết lớp 9”, chị Thuần cho biết.

Nhưng nỗi bất hạnh vẫn chưa buông tha cho cô gái có dáng người nhỏ bé. Khi trưởng thành, lập gia đình và có hai con nhỏ, chị lại bị tai nạn, gãy chân trái, phải nẹp đinh vít và không thể di chuyển. Đúng lúc ấy, chồng chị bỏ đi. Một mình chị phải mưu sinh trong nghèo khó. “Chồng bỏ khi em còn đang nằm viện. Sau đó, vì tật ở chân, sức khỏe kém nên em phải lang thang ở Hà Nội để bán tăm kiếm sống và nuôi con nhỏ”, chị Thuần tâm sự.

Đi ngược số đông

Nhưng ẩn nấp bên trong dáng hình nhỏ bé, yếu đuối của chị Trần Thị Thuần là một tinh thần “thép”. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, chị đã không đầu hàng số phận. Vì nghèo khó, bố mẹ yêu cầu nghỉ học để đi lao động kiếm sống nhưng chị Thuần không chịu. “Bố mẹ bảo nghỉ học vì không có tiền đóng học phí nhưng em không chịu. Em đi mò cua, bắt cá rồi bán để lấy tiền đóng học. Trong những năm học trung học cơ sở, gần như năm nào em cũng đạt thành tích cao trong học tập. Em còn làm lớp trưởng, Bí thư Đoàn thanh niên của lớp. Riêng hoạt động thi đua của Đoàn trường, em gần như dẫn đầu. Vì thế, giờ nhắc đến tên em, thầy cô giáo cũ có thể vẫn còn nhớ em là một cô bé rất mạnh mẽ”, chị Thuần tự hào.

Đến khi trưởng thành, thay vì buông xuôi trước những khó khăn và bất hạnh, chị Thuần còn biến điều đó trở thành động lực. Với ý chí và nghị lực, chị cải tạo đất hoang thành những vườn thảo dược.

Năm 2019, nhận thấy nhiều ruộng đất tại địa phương bị bỏ hoang, chị Thuần bàn với một số người khuyết tật trong xã thuê lại để trồng dược liệu như hoa nhài, rau má, lá đề, đinh lăng, lạc tiên, sâm, diệp hạ châu.... Để hiện thực hóa, chị và 6 thành viên đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Tâm Ngọc.

Công việc nhà nông vốn đã vất vả, với người khuyết tật càng khó khăn hơn. Song với quyết tâm, chị và các xã viên vẫn cho ra được sản phẩm. Những tưởng thành công đã đến nhưng chưa kịp vui thì tất cả lại nặng trĩu nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm. “Trong vòng 2 năm đầu tiên, HTX lỗ hoàn toàn vì sản phẩm làm ra không bán được. Cứ làm ra là phải đi cho, đi tặng, tặng không hết thì bị mốc, phải đổ bỏ làm phân mặc dù công sức làm ra là rất lớn”, chị Thuần kể.

Có sức người đất cằn cũng trổ hoa

Không nản chí, chị Thuần và một số thành viên chủ động, kiên trì tìm đến các phòng khám đông y, công ty trà, đại lý đồ uống để giới thiệu sản phẩm. Từ đó, các sản phẩm của HTX Tâm Ngọc từng bước được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Đến nay, HTX do chị làm giám đốc có tới ba sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao là Cà gai leo trà, Liên hoa trà và Như hoa trà. Không chỉ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các sản phẩm này còn đem đến cho chị Thuần nguồn thu đáng kể.

Từ một người từng phải lang thang bán tăm, kiếm sống qua ngày, nay chị Thuần trở thành giám đốc một HTX với quy mô 41 lao động. Hơn thế, nơi đây còn là “điểm tựa” tiếp thêm nghị lực sống cho 36 người khuyết tật. Chị Bùi Thị Hưng với tay trái bị khuyết là một trong số đó. “Năm 2018, trên đường đi làm về, em va chạm với xe ô tô và vị chèn nát nát một bên tay. Từ người lành lặn trở thành khuyết tật, em sống tự ti, không muốn gặp ai, không muốn đi đâu. Sau đó, em được giới thiệu vào làm tại HTX Tâm Ngọc của em Thuần. Công việc chính là đóng gói, dán tem cho hộp chè. Thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 4 triệu. Sống ở quê, em thấy mức thu nhập đó khá tốt, nhất là với người bị khuyết một bên tay như em. Công việc và thu nhập giúp em không còn nghĩ về khiếm khuyết của mình nữa”, chị Hưng chia sẻ.

Tương tự, từ khi được dạy nghề miễn phí và nhận vào làm việc tại HTX Tâm Ngọc, chị Phan Thị Trà My đã có thể sống tự lập thay vì dựa vào gia đình. Cuộc sống cũng vì thế trở nên ý nghĩa và nhiều niềm vui hơn. “Em bị bệnh tim bẩm sinh, mắt của em thì thị lực cũng kém. Trước khi vào đây em chỉ ở nhà phụ giúp mẹ làm bếp. Sống cùng xã với chị Thuần nên em may mắn gặp và được chị ấy giới thiệu vào học nghề miễn phí, rồi tạo việc làm. Giờ em đi làm và có thu nhập, tự lo cho cuộc sống của bản thân nên tinh thần vui vẻ, thay vì tự ti như lúc ở nhà với mẹ”, chị My tâm sự.

Hiện tại, HTX Tâm Ngọc có 36/41 lao động là người khuyết tật. “Tiếng lành đồn xa”, nên nhiều cùng cảnh ngộ như chị My, chị Hưng tật vẫn đang tìm đến nơi đây. Tất cả đều được hướng dẫn, được thử việc hoàn toàn miễn phí. Nếu đáp ứng sẽ được nhận vào làm tùy theo khả năng và sức khỏe. “Tất cả các bạn khuyết tật đến với HTX Tâm Ngọc, em đều ưu tiên cho thử việc. Chỉ cần các bạn bày tỏ mong muốn được học nghề, được thử việc thì em đều cho làm. Nếu học và làm được HTX sẽ sắp xếp việc”, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc HTX Tâm Ngọc cho biết.

HTX Tâm Ngọc hiện đang phát triển chuỗi Spa An Phúc dưỡng sinh đông y, chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe cho người dân người bằng thảo dược. Để tạo cơ hội nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, chị Thuần cũng nhận dạy nghề, chuyển giao công nghệ làm đẹp hoàn toàn miễn phí.

Với những đóng vào sự phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương, năm 2021, HTX Tâm Ngọc được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Tiếp đó, năm 2022, chị Thuần được tôn vinh là một trong 50 thanh niên tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức. Đó là những thành tích rất đáng tự hào. Song với chị, kết quả cũng như niềm vui lớn nhất là sự đổi thay trong suy nghĩ của những người khuyết tật đã và đang làm việc tại HTX. “Nhìn lại quá trình khởi nghiệp của bản thân, em hài lòng nhất là sự tự tin của các bạn khuyết tật khi đến với HTX Tâm Ngọc. Trước khi vào đây, các bạn đều mặc cảm về khiếm khuyết của mình, còn nay thì ai nấy đều tự tin. Các bạn có với tâm thế có thể sống bất kể nơi đâu bằng chính sức lao động của mình. Em muốn nhắn nhủ với những người cùng cảnh ngộ với em rằng sức mạnh không đến từ thể chất mà từ ý chí bất khuất của chúng ta”, chị Thuần chia sẻ.

Thực tế cho thấy khó khăn cho ta kinh nghiệm, nghịch cảnh cho ta môi trường để rèn luyện bản lĩnh. Vượt qua khó khăn và nghịch cảnh đó, chị Trần Thị Thuần, ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã rèn cho mình ý chí kiên cường. Đây cũng là chìa khóa giúp chị hóa giải mọi trở ngại để bước đến thành công.

Nghe bài viết dưới đây: