Ở Việt Nam, mỗi năm cũng có ít nhất 70.000 người chết vì ô nhiễm không khí. Có nghĩa là trung bình cứ 7,5 phút lại có một người mất vì một căn bệnh nào đó do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Lý giải nguyên nhân số người tử vong do ô nhiễm không khí cao, Ths.BS Đào Ngọc Phú ở Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, những hạt bụi mịn trong không khí không rơi xuống đất mà bay lơ lửng trên không, con người hít phải, sẽ lắng đọng, thẩm thấu đi sâu vào tận các phế nang trong phổi, làm gia tăng các bệnh cấp tính và mạn tính.

Bụi trong không khí chủ yếu là bụi nhỏ, bụi lớn lắng đọng ở phần hầu họng và hô hấp trên sẽ dễ dàng được loại bỏ, các hạt bụi có kích thước nhỏ như bụi mịn PM2.5. Để cho dễ tưởng tượng thì kích thước của hạt bụi này nhỏ hơn 30 lần so với kích thước của sợi tóc. Chính vì thế nó có thể đi sâu vào trong phế nang, lắng đọng tại phổi và gây ra những hậu quả đối với sức khỏe, các hạt bụi siêu mịn là PM0.1 thậm chí có thể vượt qua được hàng rào phế nang, vào máu, gây tổn thương cho các cơ quan khác trong cơ thể như tim mạch, thần kinh. Chỉ số không khí IQAir trên 100 ảnh hưởng cả đến những người khỏe mạnh” – Ths.BS Đào Ngọc Phú cho biết.

Chi phí do khám chữa bệnh, hệ sinh thái bị ảnh hưởng, biến đổi khí hậu…, hậu quả của ô nhiễm không khí trong thời gian dài đã tạo gánh nặng kinh tế cho đất nước. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, chưa bao gồm chi phí xử lý trong tương lai. Con số này tương đương khoảng 5-7% GDP của đất nước.

Ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Hà Nội và TP.HCM là do quá tải các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy chạy bằng xăng dầu, sau đó là các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, bếp than. Những năm gần đây, còn có nguyên nhân từ các nhà máy đốt rác phát điện chưa được xử lý tốt, rác thải từ nông nghiệp…

Trước thực trạng đó, theo ông Hoàng Dương Tùng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, trước hết cần coi ô nhiễm không khí là vấn đề cấp bách để có giải pháp kịp thời.

“Nếu ta không coi vấn đề này là cấp bách thì tình hình ô nhiễm không khí sẽ còn nghiêm trọng đến mức nào và nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống cũng như tình hình kinh tế xã hội của nước ta ra sao. Rất nhiều nước như Bắc Kinh đã coi ô nhiêm không khí như chiến tranh, người ta dồn hết các nguồn lực, nhiều khi những biện pháp rất quyết liệu để giải quyết vấn đề này”.

Nước ta đã ban hành Luật bảo vệ môi trường từ năm 2020, nhiều Nghị định, Thông tư của Chính phủ đều nêu rõ các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường không khí là xả khí thải chưa được xử lý ra môi trường. Quyết định 985 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 cũng đã đưa ra một số chương trình hành động.Tuy nhiên việc triển khai các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí còn rất chậm, thậm chí là không mấy hiệu quả. Nguyên nhân là do chưa có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương.

“Tôi thấy là nhận thức của một số các cấp chính quyền địa phương chưa cao. Chúng ta vẫn còn bàng quan lắm. Thứ hai là kiểm soát nguồn gây ô nhiễm chưa triệt để, chúng ta cứ nói chung chung vậy thôi, ví dụ nguồn ô nhiễm công nghiệp thì cần phải đưa ra những địa chỉ trúng và đúng. Thứ ba là chúng ta chưa bố trí nguồn lực để thay đổi” – ông Hoàng Dương Tùng nhận định.

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, UBND Hà Nội đang xây dựng Nghị quyết xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn, nghĩa là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí. Theo đó, Hà Nội sẽ thí điểm mô hình vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại khu vực nội đô từ đầu năm 2025, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Đây là biện pháp cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông.

Để thực hiện được thì cần có lộ trình mà trước hết là nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi hành vi từ đi xe máy sang phương tiện công cộng. Song, nếu Hà Nội thực hiện thành công thì sẽ là kinh nghiệm để các địa phương khác học tập.

“Chúng ta làm gì cũng phải có lộ trình, đó không chỉ là vấn đề cấm đoán. Tuy nhiên khi Chính phủ đề ra thì cũng sẽ có biện pháp, một mặt là hạn chế nhưng một mặt nữa cũng là khuyến khích những giải pháp thay thế. Ví dụ sắp tới, Hà Nội sẽ kiểm soát khí thải của xe máy, khi đạt tiêu chuẩn mới cho lưu hành. Việc đó sẽ dần dần kiểm soát lại nhưng đương nhiên phải có lộ trình. Những chuyện như chuyển đổi năng lượng sạch, giao thông xanh, dùng xe điện… đó là biện pháp tổng thể thì hiện Chính phủ cũng như các địa phương khác đang hoạch định và tất nhiên là có lộ trình để vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí nhưng không gây khó khăn cho người dân” – Ông Hoàng Dương Tùng cho hay.

Bất cứ mục đích nào trước khi đạt được thì việc thực hiện bao giờ cũng có quá trình khó khăn, thử thách, song nếu quyết tâm, coi đó là việc quan trọng cần làm ngay thì sẽ có những giải pháp kịp thời. Bài học xử lý ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc là một ví dụ. Nếu làm được, trong tương lai, các thành phố của Việt Nam sẽ xanh sạch trở lại nếu ngay từ bây giờ Nhà nước và nhân dân cùng nỗ lực thực hiện.