Lớp học pha chế đồ uống dành cho người khiếm thị là một phần của Dự án cung cấp thiết bị và tổ chức đào tạo pha chế đồ uống do tổ chức Siloam dành cho người mù Hàn Quốc và Hội Người mù Việt Nam phối hợp thực hiện. Theo đó, học viên khiếm thị sẽ được đào tạo hoàn toàn miễn phí về kiến thức và kỹ thuật pha chế các loại đồ uống như trà, cà phê, ca cao, nước ép hoa quả, sinh tố…trong thời gian 4 tháng tại Trung tâm đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù thuộc Hội Người mù Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai giảng, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết, lớp học được mở ra dựa trên nhu cầu về ẩm thực ngày càng tăng, đồng thời căn cứ vào khả năng của người khiếm thị đối với công việc này. Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, người khiếm thị hoàn toàn làm được công việc pha chế. Cùng với đó, Hội Người mù Việt Nam có mong muốn mở rộng các loại hình công việc cho người khiếm thị.

Theo bà Đinh Việt Anh, với người khiếm thị, pha chế đồ uống là nghề mới. Cả giáo viên và học viên sẽ gặp những khó khăn nhất định. “Mặc dù có những khó khăn nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của tổ chức Siloam và sự nỗ lực của giáo viên và học viên, tôi tin rằng lớp học sẽ đạt kết quả tốt, mở ra cơ hội nghề nghiệp mới cho người khiếm thị”, bà Đinh Việt Anh bày tỏ.

Tại lễ khai giảng, ông Dong Ic Choi, Giám đốc điều hành tổ chức Siloam cho biết, tại một số quốc gia, nhiều người khiếm thị thành công với nghề pha chế đồ uống. Ông tin tưởng người khiếm thị ở Việt Nam cũng làm được công việc này. Dự án triển khai thành công sẽ góp phần thay đổi cái nhìn của cộng đồng về các loại hình việc làm với người khiếm thị. Bản thân người khiếm thị cũng sẽ tự tin hơn khi có mong muốn học nghề, tìm kiếm việc làm về nghề pha chế.

Ngoài dự án cung cấp thiết bị và tổ chức đào tạo pha chế đồ uống, từ năm 2018, tổ chức Siloam dành cho người mù Hàn Quốc còn ký kết với Trung ương Hội Người mù Việt Nam chương trình hỗ trợ máy in chữ nổi, in sách giáo khoa chữ nổi, đào tạo massage, vận hành thư viện trực tuyến cho người mù, giao lưu âm nhạc trực tuyến giữa người khiếm thị Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Những hoạt động này khiến cho nhiều học sinh khiếm thị vơi bớt khó khăn, học tập tốt hơn, giúp những kỹ thuật viên massage có thêm kỹ năng để áp dụng trong công việc; đồng thời, giúp người khiếm thị có cơ hội giao lưu, chia sẻ và hội nhập quốc tế.