Sự gia tăng dân số, đi cùng với phát triển kinh tế đã thúc đẩy quá trình sản sinh ra rác thải trong mọi hoạt động của con người. Đặc biệt, rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa đang gia tăng nhanh chóng, trong khi hạ tầng xử lý rác thải thiếu, hệ thống thu gom không đủ, ý thức của người dân về tái chế và phân loại rác thải kém đang gây ra những vấn đề môi trường nghiêm trọng.

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Đến năm 2030, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 54 triệu tấn. Tỷ trọng rác thải nhựa chiếm khá lớn trong tổng lượng rác thải mỗi ngày ở Việt Nam, trung bình khoảng 16 - 20%. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày có khoảng 12.000 tấn rác thải nhựa các loại như túi nilong, vỏ lon nhựa, chai nhựa,… xuất hiện tại nước ta.

Theo GS - TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam giữa GDP/đầu người và phát thải chất thải rắn sinh hoạt/đầu người có tỷ lệ thuận nên chắc chắn đến năm 2030 GDP của nước ta sẽ tăng lên đáng kể. Đây là điều mà các nước trên thế giới đã phải trải qua. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta cần thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác như thế nào để chi phí thấp nhất, lợi ích thu được cao nhất. Với sự phát triển nhanh của KHCN, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành, hy vọng Việt Nam sẽ có thể quản lý tốt rác thải trong tương lai.

Để việc quản lý rác thải tốt thì điều quan trọng là phải phân loại rác tại nguồn. Nếu các tổ chức, cá nhân làm tốt công việc này và có phương án thu gom, vận chuyển tốt, theo từng loại rác, đưa đúng loại rác đến nơi xử lý phù hợp thì công việc xử lý sẽ thuận lợi hơn, giảm chi phí, giảm tác động đến môi trường. Vì vậy, phân loại rác phải đi cùng với việc xây dựng dự án xử lý thích hợp. Việt Nam đã có những quy định rất chặt chẽ, rõ ràng về các loại rác trong Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định của Chính Phủ thi hành Luật nhưng theo nhiều chuyên gia vẫn còn có những chỗ chưa hợp lý (chẳng hạn túi nilon lại không thuộc loại rác tái chế, hay rác điện tử như bàn phím máy tính, máy in…thuộc loại gì; mỗi loại rác sẽ được đưa đến đâu và xử lý như thế nào…).

Hiện nay, một số nước trên thế giới cũng có phân loại rác tại nguồn, mỗi loại rác sẽ có địa chỉ đến rõ rệt. Ví dụ rác hữu cơ (thức ăn thừa, cọng rau, vỏ hoa quả…) sẽ được thu gom hàng ngày và chở thẳng đến nhà máy phân compost; rác tái chế được sẽ thu gom chuyển đến cơ sở phân loại trên dây chuyền thành từng loại cụ thể: rác nhựa, rác giấy, rác kim loại, rác thủy tinh, rác điện tử nhỏ,…), ròi sau. đó sẽ được đưa tới từng nhà máy, cơ sở tái chế chuyên dụng. Một số loại rác nguy hại, rác cồng kềnh, rác điện tử nguyên chiếc thì chủ nhân sẽ thông báo trên mạng xã hội và có đơn vị đến tận nhà thu gom riêng, sau đó phân loại và đưa đến cơ sở xử lý. Loại rác có thể đốt thì chở thẳng đến lò đốt hoặc nhà máy đốt thu hồi nhiệt còn loại rác không thể tái chế như mảnh gốm sứ, gạch, ngói thì họ tìm cách thu nhỏ kích thước rồi mới đem chôn lấp.

Thời gian qua ở nước ta cũng có một số địa phương thực hiện phân loại rác tại nguồn như: thành phố Đà Nẵng, TPHCM…hay dự án 3R bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản ở Hà Nội. Thế nhưng, hiệu quả của những chương trình này lại không như mong đợi. Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nguyên nhân của vấn đề này là do cơ quan chức năng, các nhà khoa học, các phương tiện truyền thông chưa làm rõ được những vấn đề như: 3R là gì; ai phải thực hiện 3R, trách nhiệm ra sao và đặc biệt là trách nhiệm của người thải rác; Thực hiện 3R như thế nào: các nhà khoa học phải chỉ rõ cách thức giảm thiểu, cách thức tái sử dụng, cách thức tái chế, các nhà quản lý phải có quy định để mọi người tuân thủ, phải có cơ sở hạ tầng hiện đại để thu gom, vận chuyển và xử lý tốt; Thực hiện 3R đem lại lợi ích cho ai, đó là lợi ích gì, cân đong đo đếm ra sao… Quá trình phân loại, thu gom, xử lý rác phải làm đồng bộ, phải mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại, phải dám đầu tư mới mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh những địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn thì cũng đó địa phương làm tốt công tác này. Chẳng hạn như thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam thực hiện “cân rác thải thu tiền” thông qua việc thí điểm mô hình thu phí rác thải theo khối lượng phát thải bằng cách bán túi ni lông đựng rác. Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương “thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hội An theo quy định tại Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường”. Ngay sau đó, thành phố Hội An triển khai thí điểm mô hình thu phí rác thải theo khối lượng phát thải bằng cách bán túi ni lông đựng rác. Mỗi tháng, nhân viên công ty môi trường sẽ bán cho mỗi hộ các loại túi ni lông với thể tích 10 lít, 15 lít và 20 lít. Theo mức giá được quy đổi, loại túi ni lông 10 lít có giá gần 1.900 đồng, túi 15 lít giá 5.000 đồng, loại 20 lít 7.500 đồng/túi. Rác thải sinh hoạt được các thành viên trong gia đình phân thành 3 nhóm: Chất thải thực phẩm, đựng vào túi màu trắng trong, chữ xanh; chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng thì tự thu gom, xử lý tại nhà và chất thải rắn sinh hoạt khác được lưu chứa vào túi màu trắng trong, chữ đen. Giá túi ni lông được tính bằng chi phí sản xuất túi cộng với chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác phát thải quy đổi từ thể tích túi. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng thu phí rác thải theo khối lượng là người dân phát thải ít sẽ nộp tiền ít, ai phát thải nhiều sẽ phải nộp tiền nhiều. Điều đó hướng đến lẽ công bằng. Thói quen của người dân cũng sẽ thay đổi.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022, trong đó bổ sung quy định: xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định hay quy định thu phí rác thải dựa theo khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Để thực hiện tốt những quy định này thứ nhất là phải có nguồn nhân lực (nhà quản lý có tâm có tài; nhà khoa học giỏi chuyên môn; nhà doanh nghiệp có tâm, có tầm và sẵn sàng đầu tư cho loại hình xử lý rác; cá nhân và cộng đồng hiểu, tuân thủ phân loại rác, đóng góp nhiều hơn cho thu gom, vận chuyển và xử lý rác). Thứ hai là nguồn kinh phí. Với những nước phát triển, chi phí vận hành cho việc quản lý chất thải bao gồm: thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy thường vào khoảng 100 USD/tấn. Còn các quốc gia có thu nhập thấp thì chi phí vào khoảng 35 USD/tấn. Thứ ba là nguồn lực KHCN. Đây là lực lượng mang tính quyết định hiệu quả quá trình quản lý rác thải. Chỉ khi áp dụng được công nghệ cao, công nghệ sạch thì mới có thể thu gom, xử lý tốt, hiệu quả cao tất cả các loại rác thải kể cả những rác thải mới sẽ phát sinh.

Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường. Để thay đổi thói quen của người dân trong việc phân loại rác, ngoài việc tuyên truyền cũng cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân thực hiện./.

Mời nghe chương trình tại đây: