Công an thành phố Hà Nội phát hiện đường dây thuê người mang thai hộ do đối tượng Nguyễn Danh Hòa là bác sĩ sản khoa cấu kết với Phạm Ngọc Thảo và Nguyễn Anh Thư.

Đối với những người không đủ điều kiện để tạo phôi thai, nhóm bị can trực tiếp hỗ trợ làm giả giấy tờ để hợp pháp hóa, đưa vào bệnh viện tạo phôi, sau đó đưa phôi đến phòng khám không phép của Hòa đặt vào người mang thai hộ.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế và cũng là chuyên gia trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, có 2 vấn đề đặt ra từ vụ việc này.

Thứ nhất, đó là việc cố tình làm giả hồ sơ. 1 bộ hồ sơ mang thai hộ theo đúng pháp luật đòi hỏi rất nhiều giấy tờ, văn bản xác nhận của địa phương, công an nơi cư trú và xác nhận của cơ sở y tế là người phụ nữ không thể có thai…

Thế nhưng, nếu những giấy tờ này bị làm giả thì các y bác sỹ cũng không có cách nào để xác định vì không có nghiệp vụ.

Phải tinh ý. Chẳng hạn có lần tôi thấy tờ giấy xác nhận là người này là họ hàng, có dấu đỏ đàng hoàng, nhưng hỏi tên người nhờ mang thai hộ thì ấp úng. Vậy là biết giả. Lúc này, cần nhờ sự thẩm định lại của cơ quan công an”, GS.TS Nguyễn Viết Tiến chia sẻ.

Thứ 2, đường dây mang thai hộ lần này có sự móc nối, tiếp tay của 1 bác sỹ. Tại sao người này có thể lấy phôi từ Bệnh viện và tiến hành đặt phôi vào người mang thai hộ tại phòng khám không phép của mình?

GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết: Phôi là tài sản của các cặp vợ chồng. Họ có toàn quyền quyết định mang phôi đi bất cứ đâu, vì Pháp luật cho phép.

Chính điều này là kẽ hở khiến những đối tượng lợi dụng để tiến hành mang thai hộ trái pháp luật. Và nếu các nhân viên y tế không “tinh” trong chuyện này thì rất dễ tiếp tay cho các đối tượng.

“Các bác sỹ phải có trách nhiệm, nhạy bén giám sát, hỏi han người nhà bệnh nhân mang phôi đi đâu, làm gì?”, GS.TS Nguyễn Viết Tiến gợi ý.

Có rất nhiều gia đình khát khao có con, 500 triệu hay 1 tỷ đồng, thậm chí bán cả tài sản họ cũng sẵn sàng đánh đổi. Các đối tượng lợi dụng điều này để tìm mọi cách lách Luật. Và tìm ra những mắt xích còn lỏng lẻo trong quy trình mang thai hộ để đánh vào.

Trước đó, cơ quan công an đã phát hiện những đường dây đẻ thuê với giá rất cao từ 400-750 triệu đồng (với những trường hợp sinh đôi). Đủ thấy, lợi nhuận mang lại từ hành vi phi pháp này là rất lớn.

Trong khi đó, theo Bộ luật Hình sự quy định: tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt từ 50 đến 200 triệu đồng, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ 2 năm, hoặt phạt tù 3-5 năm (nếu tiến hành nhiều lần). Với trường hợp lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để tiến hành bị phạt từ 10-50 triệu đồng, cấm hành nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1-5 năm.

So sánh giữa mức xử phạt với lợi nhuận của hành vi phi pháp này đã phần nào lý giải tại sao những đường dây mang thai hộ vẫn cứ xảy ra. "Cần thiết phải siết chặt và gia tăng kiểm soát quy trình mang thai hộ sau vụ việc này nếu không sẽ tạo ra những rối loạn xã hội vì mang thai hộ", GS.TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: thời gian tới chúng ta cũng phải tính đến việc mở rộng những trường hợp được phép nhờ người mang thai hộ. Ví dụ như trường hợp cặp vợ chồng có con bị tật nguyền mà không thể sinh con. Nếu xác định được khuyết tật đó không phải là do gene hay lỗi gene có thể sửa chữa được thì Luật pháp nên cho phép họ được nhờ người mang thai hộ.