Ngày 04/11/2021, Khoa Các khoa học liên ngành (CKHLN) - ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) kết hợp với Viện nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững sẽ long trọng tổ chức Hội thảo “Phát triển hệ sinh thái đô thị biển đa chiều ở Việt Nam” trong khuôn khổ chuỗi hoạt động nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Khoa năm 2021.

Chiến lược hướng tới một nền “kinh tế biển xanh” đã được xác định trong Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này là cơ sở để chúng ta có những quyết sách phát triển cụ thể, trong đó có công tác quy hoạch các đô thị biển (gồm có đô thị ven biển, đô thị đảo và đô thị “thuần biển”). Khi quy hoạch không gian, các đô thị biển phải tính đến “mối liên kết” giữa ba mảng không gian (không gian biển, không gian đảo và không gian ven biển). Đây là điểm khác cơ bản so với quy hoạch phát triển các đô thị “thuần đất liền”.

Thực tế hiện nay, đô thị biển ở nước ta mới phát triển tập trung ở dải ven biển, với mô hình các đô thị ven biển mà chưa có đô thị đảo và đô thị trên biển đúng nghĩa. Trong khi đó, ngoài việc phát triển các đô thị ven biển, một số quốc gia đã có những đô thị đảo nổi tiếng, đô thị đảo nhân tạo, đô thị “nổi trên biển” gắn với các cửa ngõ giao thương quốc gia như cảng biển nổi, sân bay nổi, đảo nổi... cũng đã và sẽ được xây dựng. Các dạng đô thị biển này được xây dựng ban đầu từ vốn tự nhiên và vốn con người, quá trình phát triển sẽ tích tụ dân số và làm tăng vốn xã hội. Do vậy, cũng có những giá trị đã hoặc sẽ bị đánh đổi bên cạnh những giá trị đặc thù còn tồn tại và những giá trị đặc hữu phải giữ lại. Một dự án đô thị biển muốn “sống” được trên hệ sinh thái tự nhiên biển - ven biển, thì chính nó phải trở thành một hệ sinh thái đô thị biển đa chiều, là một bộ phận không thể tách rời của hệ sinh thái tự nhiên và xã hội.

Trong quá trình phát triển các loại hình đô thị biển, chúng ta cần công nhận và sử dụng hiệu quả các giá trị của cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là “nguồn vốn phát triển” dài hạn; quy hoạch và lựa chọn các kiến trúc - đô thị xanh, thông minh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp văn hóa bản địa. Đặc biệt là Đô thị biển cộng sinh với hệ sinh thái tự nhiên để cùng tạo ra các mô hình phát triển giá trị gia tăng cao hơn – đang là xu hướng tất yếu của thời đại và ở Việt Nam. Đánh mất hoặc triệt tiêu “cơ sở tự nhiên” tại biển, đảo đang ngăn cách con người với sự phát triển, với thiên nhiên và với biển, làm mất đi giá trị bản địa vốn có được con người xây dựng hàng ngàn năm qua những di sản thiên niên kỷ của họ cùng với biển.

Có thể thấy từ góc nhìn phát triển đô thị biển, dường như chúng ta vẫn đang “đứng ở ven biển”, chưa phát triển được các chuỗi đô thị biển. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, cần phải “mạo hiểm” tiến ra biển lớn bằng việc sớm hoàn thiện các chuỗi đô thị biển đó, để góp phần khẳng định thế đứng của một “quốc gia biển” chứ không phải “quốc gia ven biển”.

Chính vì vậy, Khoa Các khoa học liên ngành và Viện nghiên cứu định cư với các chuyên gia liên ngành: Đô thị, kiến trúc, tự nhiên và môi trường, quản lý, xây dựng chính sách, kinh tế, xã hội, văn hóa và di sản… cùng nhau tổ chức Hội thảo chuyên gia này để cùng nhau thảo luận những vấn đề cốt lõi nhằm Phát triển Hệ sinh thái đô thị biển đa chiều ở Việt Nam trong tương lai gần.

Mục đích của hội thảo nhằm làm rõ các cơ sở, quan điểm, mô hình, kinh nghiệm, chính sách phát triển... đô thị biển ở trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay. Hội thảo tạo diễn đàn khoa học để trao đổi, nghiên cứu về phát triển đô thị biển đa chiều giữa các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN và Viện nghiên cứu định cư & năng lượng bền vững, các nhà hoạch định chính sách của các cấp, ngành, địa phương, các cựu học viên và học viên của Khoa các Khoa học Liên ngành, ĐHQGHN. Định hướng nghiên cứu về đô thị, đặc biệt là đô thị biển trong giai đoạn tới phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa Các khoa học liên ngành và Viện nghiên cứu định cư.

Hội thảo là buổi trao đổi khoa học của các chuyên gia về các chủ đề liên quan đến phát triển đô thị biển đa chiều thông qua các bài trình bày và các trao đổi trực tiếp trên hệ thống trực tuyến do Khoa Các khoa họcliên ngành Đại học quốc gia Hà Nội thực hiện và điều phối. Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá, thảo luận và đưa ra kiến nghị về các giải pháp, chính sách để phát triển hệ sinh thái biển với 3 chủ đề sau:

· Tầm nhìn phát triển các cực kinh tế đô thị biển đa chiều ở Việt Nam;

· Hệ sinh thái tự nhiên-xã hội trong phát triển đô thị biển đa chiều;

· Hệ sinh thái đô thị biển đa chiều - Di sản và các mô hình phát triển