Khảo sát của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên cho thấy, chỉ 22% những người được hỏi cho rằng bản thân cần giảm thiểu rác thải nhựa, gần nửa số còn lại cho rằng, trách nhiệm này thuộc về xã hội và có tới 35% lượng người được hỏi nêu thực tế, việc sử dụng nhựa dùng một lần là nhu cầu xã hội nên khó thay đổi một sớm một chiều. Theo ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm truyền thông Bộ Tài nguyên và Môi trường, để thay đổi được nhận thức của người dân về việc sử dụng đồ nhựa không dễ, nó là cả quá trình cần sự hỗ trợ của nhà nước.

Tại nước ta, lượng nhựa và túi nilon thải ra môi trường khoảng 2,5 triệu tấn, trong khi tỷ lệ tái chế chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy ở nước ta rất thấp, phần lớn là chôn lấp hoặc không xử lý. Bà Hoàng Thị Diệu Linh, cán bộ về Chất thải và Kinh tế tuần hoàn, Ban Môi trường và Chất thải, UNDP Việt Nam phân tích,rào cản lớn nhất có thể kể đến chính là việc đồ nhựa dùng một lần khá tiện ích và giá thành rẻ nên mọi người sử dụng nhiều. trong thời gian vừa qua, các tổ chức và cơ quan chức năng cũng đã tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, từ đó để thay đổi hành vi.

Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ rõ để phân hủy hoàn toàn một chai nhựa cần từ 450 - 1.000 năm, ống hút nhựa và túi nilon thì phải mất từ 100 – 500 năm. Chính vì thế, những hành động thực tế của mỗi cá nhân không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn hướng tới một cuộc sống xanh như ý kiến của ông Nguyễn Dương, Cơ quan Hỗ trợ Phát triển Hoa Kỳ, Phòng Năng lượng môi trường và Biến đổi khí hậu. Theo ông Dương, nếu nhận thức thay đổi sẽ thúc đẩy việc thay đổi hành vi của cá nhân và cả cộng đồng về việc sử dụng rác thải nhựa, không chỉ giảm đi từ người sử dụng mà còn giảm đi từ người bán, những người đưa sản phẩm này ra ngoài thị trường.

Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin nhiều về tác hại của đồ nhựa dùng một lần nhưng do giá thành rẻ và tính tiện dụng nên chúng vẫn được dùng phổ biến ở các cửa hàng ăn hay ngoài chợ. Để tìm được vật dụng thay thế đồ nhựa dùng một lần ở nước ta hiện nay không đơn giản vì cần có nguyên vật liệu thay thế với giá thành và độ phổ biến ở mức tương đương và có thể phân hủy sinh học. PGS Chu Hoàng Hà, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh, với những chất thải nhựa PE hoặc những loại nhựa hiện nay phổ biến trên thị trường thì phải phát triển những công nghệ để xử lý được rác thải đó. Hướng tiếp cận tích cực hơn đó là tạo ra các loại nhựa có khả năng phân huỷ sinh học.

Với 1,8 triệu tấn rác thải nhựa hàng năm, Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Do đó, cần nâng cao nhận thức cũng như có những tác động thay đổi hành vi để giảm lượng rác thải nhựa. Tiến sĩ Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phân tích, giảm rác thải nhựa là vấn đề có nhạy cảm giới vì nó liên quan đến hành vi của người nam và người nữ. Nhận thức tốt về rác thải nhựa này nó sẽ tác động trực tiếp đến lượng rác thải nhựa chúng ta thải ra hàng ngày. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức tác động thay đổi hành vi, giảm thiểu rác thải nhựa vì thế là hết sức cần thiết.

Việt Nam đã tham gia tích cực và đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực để giảm rác thải nhựa đồng thời tiên phong thực hiện nhiều hành động cụ thể để giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Những hành động này của Chính phủ đã nhận được sử hưởng ứng tích cực từ người dân và các doanh nghiệp, khi ở mỗi khu phố, mỗi cụm dân cư, người dân đã ngày càng có ý thức trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, như chia sẻ của bà. Bà Nguyễn Thị Hoà, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, mỗi khi đi chợ bà đều sử dụng làn để hạn chế việc sử dụng túi nilon.

Nhựa hay chất dẻo tổng hợp là sản phẩm không có sẵn trong tự nhiên mà là sản phẩm nhân tạo. Để phân hủy được các sản phẩm này hoàn toàn thì cần thời gian rất lâu. Chính vì thế, những hành động thực tế của mỗi cá nhân không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn hướng tới một cuộc sống xanh sạch hơn. Việc giảm thiểu rác thải nhựa không phụ thuộc vào một cá nhân, tổ chức, đơn vị, quốc gia mà cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chỉ cần bắt đầu từ những hành động nhỏ như hạn chế sử dụng các loại bao bì nhựa, túi nilon; hay nói không với ống hút nhựa…của mỗi người dân, mỗi gia đình, cuộc chiến với rác thải nhựa mới đạt được hiệu quả như mong muốn.