Phụ phẩm nông nghiệp có thể biến thành vàng, mang lại giá trị kinh tế từ 4-5 tỷ USD/ năm

Nước ta có nền nông nghiệp nhiệt đới phát triển, có sản lượng sản phẩm lớn, đa dạng, có nhiều loại đặc sản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho trên 97 triệu dân và xuất khẩu trên 41 triệu USD tới hơn 180 nước, vùng lãnh thổ. Trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến các nông sản đó, tỷ lệ phụ phẩm từ ngành lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn. Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, nông phụ phẩm này không phải là chất thải đổ bỏ mà là nguồn tài nguyên tái tạo, đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm ở nước ta là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%), 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%), 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%). Trong đó, riêng khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL, phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi, với hơn 13,9 triệu tấn trong năm 2020 tại Đông Nam Bộ và 39,4 triệu tấn tại ĐBSCL.

Phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch từ rơm lúa chiếm khối lượng lớn (42,8 triệu tấn), thân cây bắp (10 triệu tấn), rau và quả (3,6 triệu tấn), thân cây mì (3,1 triệu tấn), trái giả đào lộn hột (3,1 triệu tấn) và các loại khác (6,1 triệu tấn). Phụ phẩm từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt gồm: Vỏ trấu 8,6 triệu tấn, bã mía 3,5 triệu tấn, lõi bắp 1,4 triệu tấn, vỏ củ mì 1,3 triệu tấn và các loại khác là 2 triệu tấn. Kiên Giang là tỉnh có tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp lớn nhất vùng ĐBSCL với 5,7 triệu tấn mỗi năm, đứng thứ hai là An Giang với 5,2 triệu tấn.

Mặc dù vậy, tỷ lệ phụ phẩm cây trồng (vỏ lạc, thân bắp, rơm lúa, thân cây mì, vỏ đậu tương, củi…) được thu gom, sử dụng chỉ chiếm 52,2%. Trong đó, rơm lúa chỉ sử dụng được khoảng 56,3% cho các mục đích làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm chất độn chuồng cho vật nuôi, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng, lót các loại trái cây...

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thành viên Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cho biết: Trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, tỷ lệ phụ phẩm của lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn. Nếu tận dụng được nguồn phụ phẩm này để tái sử dụng, sản xuất phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi, làm nấm, nuôi công trùng…và nhiều mục đích khác nhau thì vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ngày càng phát triển, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong vụ Đông Xuân năm 2021 ở tỉnh Đồng Tháp, giá bán rơm khoảng từ 55 ngàn đến 75 ngàn trên 1.000 m2 ruộng rơm, cuộn máy được 12-13 bò, 12 kg/bó. Như vậy, giá rơm tại ruộng khoảng gần 400 đồng/kg, giá rơm cạnh đường giao thông liên xã là 15 ngàn đồng/bó tương đương 1.250 đồng/kg.

Do vận chuyển xa nên giá bán rơm tại cơ sở sử dụng cho nuôi gia súc, làm nấm, làm vườn,... khoảng 25 ngàn/bó tương đương 2.083 đồng/kg. Vì vậy, người nông dân trồng lúa, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong họ có thể thu thêm bình quân 550 ngàn đồng cho một ha rơm lúa khi bán cho người thu mua. Nếu không tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp này là một sự lãng phí rất lớn.

“Hiện nay, một lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng ở một số nơi thuộc miền Bắc, miền Trung không những gây ô nhiễm không khí, cản trở giao thông, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây là hành vi bị cấm theo quy định về pháp luật môi trường”, ông Tống Xuân Chinh cho biết thêm.

Giải pháp nào cho việc thực hiện xử lý phụ phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả?

Để xử lý phụ phẩm nông nghiệp hiệu quả, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cần có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Cùng với đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình nông nghiệp 4F (Thức ăn - Trang trại - Thực phẩm - Phân bón hữu cơ), quy trình nông nghiệp tuần hoàn hở hoặc kín để có cơ sở thực hiện việc tiêu thụ các sản phẩm là phụ phẩm nông nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời cũng cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Đổi mới hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư để khuyến khích đủ hấp dẫn các doanh nghiệp thông qua mặt bằng đất nông nghiệp sạch, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu trang thiết trị, công nghệ cao...

Ban hành quy định pháp luật về ngưỡng tối đa cho phép trong việc sử dụng cân bằng giữa phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ áp dụng đối với đất canh tác nông nghiệp để thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch và nông nghiệp dựa trên cộng đồng.

Ban hành thể chế, chính sách về khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, bao gồm tuần hoàn hở gắn các từng khâu khác nhau, tuần hoàn kín để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiên, công nghệ sạch, tích hợp phương pháp vật lý, hóa học, sinh học áp dụng hiệu quả trong lĩnh vực xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp để: Sản xuất, chế biến thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ; sản xuất phân bón hữu cơ các loại; sản xuất năng lượng tái tạo từ sinh khối phụ phẩm nông nghiệp; chăn nuôi công trùng có lợi để sản xuất protein từ ấu trùng công trùng và sản xuất phân bón hữu cơ từ phân côn trùng; và sản xuất các loại dầu sinh học và năng lượng sinh học từ sinh khối phụ phẩm nông nghiệp.

Tăng cường nghiên cứu phát triển và nhập khẩu công nghệ các chủng vi sinh vật hữu ích có hiệu suất lên men cao để sản xuất các chế phẩm sinh học, ưu tiên cho công nghệ vi sinh vật trong nông nghiệp để xử lý hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp.

Phát triển, hoàn thiện và xây dựng quy trình chăn nuôi tuần hoàn, ưu tiên cho sự phối hợp hiệu quả giữa trồng trọt và chăn nuôi để phụ phẩm của ngành này là đầu vào của ngành kia và ngược lại để phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và kéo dài chuỗi giá trị nông sản.

Xây dựng quy trình thu gom, bảo quản, chế biến phụ phẩm nông nghiệp có vật chất thô xanh cao để chế biến làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ ở quy mô nông hộ, trang trại, công nghiệp; Xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, ủ compost phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ truyền thống ở quy mô nông hộ và trang trại.

Đồng thời cần đẩy mạnh công tác truyền thông đa phương tiện và sâu rộng về ý nghĩa của phụ phẩm nông nghiệp trong nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, nền nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thu hút sự quan tâm, thay đổi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về quản lý hiệu quả phụ phẩm của toàn ngành.