Theo chuyên gia tội phạm học - TS. Đào Trung Hiếu, bạo lực thậm chí giết người do mâu thuẫn, xích mích có thể bắt nguồn từ rất nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như mâu thuẫn tranh chấp đất đai, tranh chấp thừa kế, rồi trong quan hệ ghen tuông tình ái... Thậm chí là những bạo lực phát sinh đột xuất để khi đi trên đường va chạm, với những đối tượng thiếu kiềm chế có thể dùng vũ khí để tấn công nhau. Trước tình trạng bạo lực dễ nảy sinh này, TS Đào Trung Hiếu cho rằng "hiện nay chúng ta đang đối diện với những nguy cơ đến từ an ninh cộng đồng".

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường

TS Đào Trung Hiếu cho rằng, để đẩy lùi tình trạng bạo lực dẫn đến án mạng từ những xung đột trong nội bộ nhân dân, trước hết cần tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Từ những cộng đồng dân cư, chúng ta xây dựng, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng đời sống văn hóa, tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng khác nhau.

Đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng trong các nhà trường để xây dựng con người hướng đến cuộc sống an ninh an toàn, tôn trọng các giá trị chuẩn mực của đời sống chung. Đặc biệt, hiện nay hiện tượng trẻ hóa tội phạm rất đáng lo ngại. Việc giáo dục cho học sinh ngay từ các cấp học về ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống là rất cần thiết để khi các em trưởng thành, trở thành những người công dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Tăng cường việc nắm bắt tình hình tại cơ sở

Bên cạnh công tác tuyên truyền, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác nằm tình hình và kịp thời phát hiện ra những nhân tố có thể gây mất an ninh trật tự tại địa phương; kịp thời tháo gỡ ngòi nổ xung đột trong nhân dân để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Khi phát hiện ra những nhân tố, những đối tượng có những hành vi lệch lạc, lệch chuẩn, thậm chí có những mâu thuẫn âm ỉ thì cần phải vào cuộc một cách rốt ráo để giáo dục phòng ngừa riêng. Khi có những thông tin về đối tượng có vũ khí, phải lập tức điều tra xác minh làm rõ, xử lý đối tượng trước khi trọng án xảy ra.

Kịp thời phát hiện ra những đối tượng đang có hoạt động hoặc là những băng ổ nhóm tội phạm hoạt động tại các khu dân cư để chủ động lập kế hoạch đấu tranh triệt xóa.

Ngoài ra, cần giúp đỡ những người không có công ăn việc làm có được việc làm ổn định; nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường công tác an sinh xã hội.

“Đây là tổng hòa các giải pháp khác nhau, vừa là phòng ngừa xã hội, vừa là phòng ngừa nghiệp vụ. Có như vậy, chúng ta mới mong giảm được tình hình tội phạm có tính chất bạo lực đang diễn biến khá phức tạp trong thời gian hiện nay.” TS. Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.

Người dân cần kiềm chế và báo cáo với chính quyền khi mâu thuẫn xảy ra

Bản thân mỗi người dân cần phải trang bị cho mình những kỹ năng để có thể giải quyết được những tình huống phức tạp gặp phải trong đời sống. Khi gặp phải những mâu thuẫn tranh chấp, ưu tiên số một là sử dụng công cụ pháp luật. Người dân có thể trình báo vấn đề của mình với cơ quan có trách nhiệm tại địa phương.

Với những tranh chấp về kinh tế dân sự, đất đai, khi phát sinh căng thẳng cần trình báo chính quyền để chính quyền biết sớm và có những biện pháp chủ động phòng ngừa.

Trong giao tiếp, khi thấy diễn biến câu chuyện có khả năng trở nên phức tạp thì cần phải biết “rút củi đáy nồi”, tức là thoát ra khỏi những cuộc tranh cãi tại vì những cuộc tranh cãi sẽ tích tụ âm ỉ mâu thuẫn và khi nó bùng phát lên hậu quả rất là nguy hiểm.

Khi phát sinh mâu thuẫn, trước hết là cần phải bình tĩnh. Kiên nhẫn và tránh có những phát ngôn có thể gây ra những xúc phạm tổn thương nhau.

Để giữ hòa khí và tránh xảy ra mâu thuẫn trong quan hệ với hàng xóm:

- Luôn biết kiềm chế: Điều quan trọng khi sống cạnh hàng xóm là luôn phải biết kiềm chế. Nóng giận chẳng giải quyết vấn đề gì, có khi còn đẩy mâu thuẫn đến tình huống xấu hơn.

- Sống gương mẫu: Hãy sống gương mẫu. Không nên hùa theo những cách làm của những hàng xóm xấu tính vì nếu bạn làm thế thì bạn cũng chẳng khác gì họ.

- Sống văn minh, có đạo đức: Khi nhà bạn làm việc gì cũng nên cân nhắc xem có ảnh hưởng tới hàng xóm hay không. Chẳng hạn, trong tình thế bắt buộc như sửa nhà, bạn nên nói chuyện với hàng xóm trước về sự bất tiện đó. Hay nếu tổ chức tiệc tại nhà, bạn nên chừng mực giảm bớt tiếng loa đài khi muộn. Những hành động đó sẽ khiến hàng xóm luôn hài lòng với cách ứng xử và đánh giá cao bạn.

- Giúp đỡ lẫn nhau: Trong cuộc sống thường ngày, bạn nên để ý xem gia đình hàng xóm có công việc gì cần giúp đỡ không, có khó khăn gì không… nếu có nên giúp đỡ không nề hà bởi sau này sẽ có lúc bạn cần đến sự giúp đỡ của chính họ.

- Chọn hàng xóm mà chơi: Dù bạn không thân thiết với những hàng xóm xấu tính nhưng cũng nên gật đầu chào hỏi lịch sự nếu gặp nhau trước ngõ. Ngoài ra, bạn cũng nên chơi với một vài người hàng xóm tử tế xung quanh để nếu có việc gì cần, bạn có thể gọi người ta hỗ trợ.