Nước sông Hồng lên nhanh vào đêm qua và ngày hôm nay (10/9) đã đe dọa ngập lụt ở nhiều nơi. Bởi vậy các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm (Hà Nội)... đã phải khẩn trương di dời một số hộ dân đến nơi an toàn.Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có phường Chương Dương và Phúc Tân bị ảnh hưởng trực tiếp khi nước sông Hồng dâng cao. Sáng nay (10/9), lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu di dời ngay 60 hộ dân ở phường Chương Dương và 70 hộ dân ở phường Phúc Tân đến nơi an toàn.

Trong cuộc trao đổi với PV VOV2, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Hoàn Kiếm khẳng định, quận đã yêu cầu lực lượng chức năng di dời ngay các hộ dân trước khi nước sông Hồng lên báo động 1 (nước lên cao 9,5m) và tiếp tục sẽ lên phương án di dời tiếp các hộ dân nếu nước sông Hồng lên báo động 2.

PV: Thưa ông, trong chuyến thị sát của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm hôm nay, đã ghi nhập như thế nào về tình trạng ngập lụt trên địa bàn quận do nước sông Hồng dâng cao?

Ông Phạm Tuấn Long: Với địa bàn quận Hoàn Kiếm, hai phường Chương Dương, Phúc Tân có mật độ dân cư cao, số dân lớn nhất của quận Hoàn Kiếm. Cho đến thời điểm sáng hôm nay (10/9) vào lúc 9 giờ, chúng tôi khảo sát địa bàn thì mức lũ ở địa bàn quận Hoàn Kiếm mới ngấp nghé báo động 1. Thế nhưng ngay từ đêm hôm trước sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, quận đã thông báo đến toàn bộ hộ dân, yêu cầu ký cam kết và chủ động di chuyển tài sản, người ra khỏi khu vực báo động 1. Chúng tôi đồng thời tiếp tục rà soát những hộ dân nằm trong phạm vi báo động 2, chuẩn bị cho phương án di chuyển dưới báo động 2. Cho đến thời điểm hiện nay mức lũ trên địa bàn quận ở mức xấp xỉ chiều cao 10m vượt qua báo động 1. Chúng tôi tiếp tục triển khai phương án theo đúng kế hoạch đã đề ra.

PV: Trong thời gian tới khi mà những diễn biến ở mức độ phức tạp hơn thì quận đã có những kế hoạch, chuẩn bị phương án thế nào để chủ động ứng phó, kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn?

Ông Phạm Tuấn Long: Trên địa bàn quận hiện nay chúng tôi đã sử dụng các cơ sở nhà cộng đồng do quận đang quản lý như là các điểm trung tâm văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của người dân, rồi khu thể thao Long Biên, khu nhà tạm lánh 360 Phúc Tân và phường Chương Dương có khu vực chợ Vọng Hà. Tầng 2 của chợ và khu một số khu vực có diện tích lớn để người dân có thể di chuyển đến nơi an toàn. Trên địa bàn của chúng tôi còn có địa điểm nữa đó là Ban chỉ huy quân sự quận. Đây sẽ là nơi để đón nhận người dân khi có những tình huống mới phát sinh.

PV: Đối với những người dân phải di dời khẩn cấp trong đêm hôm qua thì đến thời điểm này tâm lý của họ ra sao và những giải pháp triển khai của quận để có thể đảm bảo ổn định đời sống sinh hoạt của họ tại nơi di dời đến?

Ông Phạm Tuấn Long: Với người dân của Hoàn Kiếm thì những người phải di dời đầu tiên là khu vực ngoài đê. Họ đã sống ở đây khá lâu, chính vì vậy bản thân người dân cũng đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó với lũ lớn. Thời gian vừa qua, đặc biệt ngay từ đêm hôm qua người dân cũng đã chủ động di chuyển tài sản. Đặc biệt có nhiều hộ đã tìm người thân trong phố để vào ở tạm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!