Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa khép lại cuối tuần qua, với khối lượng công việc rất lớn được hoàn thành. Cụ thể, trong hơn 20 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn, nghiêm túc, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 Dự tháo luật; đồng thời, thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cho đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.

Giải quyết những bât cập về cơ chế, chính sách

Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan, nâng cao năng lực phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới, trên cơ sở đó có phản ứng chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn, cụ thể, có tính khả thi cao để giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chọi của nền kinh tế trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài; việc điều hành chính sách tài khóa cần có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến căn bản trong giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Việc giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho người dân, doanh nghiệp cũng được yêu cầu giải quyết kịp thời. Cùng với đó là yêu cầu về điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận về tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công chức, công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế các cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu các đơn vị, cơ quan, tổ chức. Tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy; giải quyết dứt điểm bất cập, vướng mắc trong công tác kiểm định xe cơ giới. Tình trạng thiếu điện, đảm bảo ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống cũng được yêu cầu phải có giải pháp khắc phục kịp thời và căn cơ, đồng thời tháo gỡ triệt để, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, tăng cường củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Ban hành kịp thời nhiều quyết sách quan trọng

Để kịp thời thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng. Có thể kể đến là quyết định tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất, thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế; cho phép linh hoạt điều hòa vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội…

Giám sát và giám sát lại để đưa chính sách vào cuộc sống

Để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Tòa án Nnhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này trong quý III/2023. Việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV cũng sẽ được rà soát, đôn đốc, đòng thời đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.

Trước đó, trong bài phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023), Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ và những người được chất vấn khác về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại kỳ họp này và các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây vừa là cách thức “giám sát lại”, thể hiện sự đi đến cùng vấn đề đã giám sát để thực sự tạo chuyển biến, vừa là kênh thông tin rất quan trọng để Quốc hội xem xét, phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Trên cơ sở kết quả của Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng dù kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 còn khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của Quốc hội cũng như Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, việc thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm sẽ vẫn đảm bảo đạt được như mục tiêu đề ra./