Trong bối cảnh, cả nước quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội đạt mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán nên kinh tế xã hội Quý I/2023 của nước ta đạt được kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, các cân đối lớn được đảm bảo trong bối cảnh thế giới bất ổn tăng trưởng thấp. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù kết quả tăng trưởng này không cao nhưng vẫn được đánh giá khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.

Về thị trường lao động quý 1/2023, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê nhận định thị trường lao động duy trì đà phục hồi, số lao động có việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với cả quý trước và cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý 1/2023 là 51,1 triệu người, tăng 113.500 người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,9 triệu người (chiếm 37,0%), tăng 120.900 người so với quý trước và tăng 386.400 người so với cùng kỳ năm trước, lao động có việc làm ở khu vực nông thôn đạt 32,2 triệu người, giảm 7.300 người so với quý trước và tăng 726.400 người so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với sự gia tăng của số lượng lao động có việc làm, số lao động thiếu việc làm trong quý 1/2023 đã giảm. Số người thiếu việc làm trong độ lao động tuổi quý 1/2023 là khoảng 885.500 người, giảm 12.400 người so với quý trước và giảm 443.100 người so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Phạm Hoài Nam, nhờ có sự phục hồi của thị trường lao động, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2023 cũng giảm, còn khoảng 1,05 triệu người, giảm 34.600 người so với quý trước và giảm 65.100 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2023 là 2,25%, giảm 0,07% so với quý trước và giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho hay, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong thời gian qua là 7 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (lần lượt là 8,6 triệu đồng và 6,1 triệu đồng).

Tính chung quý I, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả 3 khu vực kinh tế. Tuy vậy, sự gia tăng thu nhập của người lao động trong quý này không diễn ra ở tất các ngành kinh tế, trong khi thu nhập bình quân của người lao động một số ngành kinh tế tăng, một số ngành kinh tế khác có sự sụt giảm thu nhập bình quân so với quý trước

Mặc dù thị trường lao động đang phục hồi tích cực hơn so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phạm Hoài Nam, tốc độ phục hồi còn chậm. Thậm chí nhiều doanh nghiệp ở một số ngành thâm dụng lao động như dệt may da giầy, điện – điện tử đã và đang buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động việc làm trong nước.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có sự biến động phức tạp, khó lường, lạm phát tuy đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm...,để thị trường lao động phục hồi bền vững hơn, ông Nam đề xuất cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: Da giày, dệt may, điện-điện tử...

Tiếp tục hoàn thiện hế thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm./.