Quỹ Vắc xin phòng Covid-19: Một chủ trương hợp thời điểm

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các chuyên gia nhận định phương pháp hiệu quả nhất lúc này chính là một chiến lược tiêm vắc xin hợp lý. Theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm phòng COVID-19 cho khoảng 75 triệu người dân, dự kiến cần mua khoảng 150 triệu liều vắc xin với tổng kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Do vậy, việc xã hội hóa, vận động kinh phí để đảm bảo đủ số lượng vắc xin và tiêm kịp thời cho người dân là điều hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng Quỹ Vắc xin thành lập vào thời điểm này hoàn toàn phù hợp với tình hình cấp bách hiện nay, nhất là tiến độ tiếp cận mua và nhập khẩu vắc xin đang được đẩy nhanh.

Về cơ bản quy định tại quyết định thành lập Quỹ Vắc xin là khá chặt chẽ trong chi tiêu, có sự kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết việc thành lập Quỹ là chưa có tiền lệ, do vậy để vận hành Quỹ một cách hiệu quả không hề đơn giản. Bởi nếu chúng ta chỉ cần làm sai, làm chưa tốt ở 1 khâu nào đó thôi cũng sẽ có thể dẫn đến những hệ lụy rất lớn. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng thì sự minh bạch, liêm chính chính là điều kiện tiên quyết để huy động nhiều nguồn đóng góp Quỹ.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã thông báo công khai rộng rãi thông tin tài khoản tiếp nhận để các tổ chức, cá nhân thuận tiện ủng hộ. Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 và được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. Và thực tế là đến thời điểm này, Quỹ đã nhận được sự chia sẻ của cả cộng đồng.

Cùng với sự đóng góp của các tập đoàn lớn thì cũng có không ít cá nhân với những câu chuyện cảm động như em học sinh nhịn quà sáng để góp cho quỹ 100.000 đồng, cụ bà bán vé số cầm xấp tiền lẻ đến góp Quỹ, hay trường hợp một cựu chiến binh dành 100 triệu đồng tiền lương hưu cho Quỹ Vắc xin mới thấy thật cảm động biết bao trước tấm lòng của mỗi người dân. Người vài trăm nghìn, người vài triệu… tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là xây dựng Quỹ – chung tay cùng cộng đồng vượt qua đại dịch…

Đoàn kết và sẻ chia

Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng việc thành lập Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 sẽ không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách mà qua đó còn minh chứng cho một giá trị truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc ta - đó là Đoàn kết và Sẻ chia.

Có thể nói tinh thần vì cộng đồng là tinh thần xuyên suốt của dân tộc ta trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Để đến hôm nay, tinh thần ấy lại được phát huy - như sự khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi lễ ra mắt Quỹ Vắc xin được tổ chức vào ngày 5/6 vừa qua. Mỗi người dân với mỗi một nghĩa cử, chắc chắn sẽ tạo nên sức mạnh cộng đồng để đất nước vượt qua đại dịch.

Chống dịch như chống giặc, Quỹ Vắc xin được thành lập cũng là để đảm bảo an toàn cho chính mỗi người dân. Chính vì thế, việc ủng hộ Quỹ vừa thể hiện tinh thần vì cộng đồng nhưng đó cũng là trách nhiệm của mỗi người dân trước dịch bệnh. Nói như TS Nguyễn Sĩ Dũng, đây là một cuộc chiến rất cam go, đòi hỏi mỗi người dân phải chung sức chung lòng, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Một cá nhân chỉ an toàn khi tất cả an toàn.

Đất nước chúng ta đã được báo chí quốc tế ca ngợi về thành công trong chống dịch Covid-19. Việt Nam đã ngăn chặn SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn. Và tính nhân văn ấy sẽ tiếp tục được nối dài bởi sự chúng tay góp sức của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm và mỗi một người dân trong xã hội.

Tin rằng với một chiến lược vắc xin hợp lý, với một tinh thần cố kết và nghĩa đồng bào được hun đúc từ bao đời, Việt Nam hôm nay sẽ tiếp tục khẳng định sức mạnh và giá trị cộng đồng để vững vàng chiến thắng trước kẻ thù vô hình Covid-19.

Mời nghe âm thanh tại đây: