Tuyển lao động, cho vay tiền, sửa nhà, khoan cắt bê tông, thông cống.v.v… từ ngõ nhỏ đến đường lớn, ở đâu cũng dễ bắt gặp những mẩu quảng cáo, rao vặt được dán, được phun sơn chằng chịt trên những trụ điện, cột đèn, bờ tường. Không ít cây xanh trên đường phố cũng bị đóng đinh để gắn biển rao vặt. Tình trạng này đã làm mất mỹ quan đô thị, khiến các thành phố lớn như Hà Nội trở nên nhếch nhác, xấu xí trong mắt du khách và thậm chí với cả những người dân sinh sống ở Thủ đô.
Chia sẻ với phóng viên VOV2, nhiều người dân cho biết, tại khu dân cư, hôm trước các bạn đoàn viên vừa gỡ bỏ những tờ giấy quảng cáo, rao vặt thì hôm sau đã có người dán lại. Có gia đình vừa sơn mới bức tường nhà thì đã bị phun sơn quảng cáo dịch vụ thông cống, khoan cắt bê tông… rất phản cảm. Điều đó khiến không ít người cảm thấy vơi bớt lòng tự tôn, tự hào về một thành phố văn minh, thanh lịch và có cảm giác xấu hổ với du khách.
Pháp luật đã có quy định rất rõ ràng và áp dụng mức phạt nghiêm khắc với hành vi xả rác quảng cáo nơi công cộng. Thời gian qua, chính quyền và lực lượng chức năng và người dân... cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn, gỡ bỏ các quảng cáo, rao vặt. Nhưng vì sao vẫn khó dẹp được triệt để nạn quảng cáo, rao vặt sai quy định?
Nghị định số 28/2017 của Chính phủ quy định:
- Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt 5 - 10 triệu đồng;
- Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội sẽ bị phạt tiền 5 - 10 triệu đồng.
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Theo TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), trách nhiệm chính trong việc phát hiện, kiểm tra, xử phạt rác quảng cáo, rao vặt trước hết thuộc về cơ quan văn hóa, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường và lực lượng công an. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có cơ quan, lực lượng nào được giao một nhiệm vụ một cách cụ thể về việc giải quyết vấn nạn quảng cáo rao vặt nên đôi khi chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các lực lượng chức năng.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho biết, trước đây việc truy theo số điện thoại để xử phạt rất khó do người quảng cáo sử dụng sim rác. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc chấm dứt hợp đồng đối với chủ thuê bao dịch vụ viễn thông sẽ vi phạm lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay các nhà mạng đã siết chặt việc quản lý thuê bao điện thoại và đây sẽ là điều kiện thuận lợi để có thể chặn những quảng cáo rao vặt trái phép.“Tôi nghĩ rằng các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông cần cần dứt khoát chặm sim rác bởi sim tác không chỉ được sử dụng để quảng cáo, rao vặt mà còn quấy nhiễu đời sống riêng tư của rất nhiều người. Nếu sim tác đã hết rồi mà chủ thuê bao còn cố tình sử dụng để quảng cáo thì kiên quyết chấm dứt hợp đồng thì mới xử lý được triệt để.” – TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Ngoài việc xử phạt từ 5- 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo, rao vặt gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị theo Nghị định số 28/2017 của Chính phủ, tiến sĩ Nguyễn Viết Chức đề xuất còn cần có các hình thức xử phạt bổ sung. Ví dụ: phải xử phạt tiếp hành vi phá hoại của công hoặc tài sản cá nhân, phải khắc phục hậu quả, khôi phục lại nguyên trạng mỹ quan của hiện trường đã bị bôi bẩn bởi quảng cáo, rao vặt…Việc xử phạt nên giao cho công an bởi hiện nay tại các xã, phường đã có công an chuyên nghiệp và cũng chỉ lực lượng này mới có đủ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng, nhu cầu quảng cáo, rao vặt cũng như sử dụng các dịch vụ như sửa chữa nhà cửa, điện nước, vệ sinh…trong gia đình của người dân là rất lớn. Người làm nghề dịch vụ có thể tận dụng công nghệ và mạng xã hội để quảng cáo, rao vặt, vừa văn minh, vừa hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Để góp phần chấm dứt nạn quảng cáo, rao vặt trên đường phố, TS Nguyễn Viết Chức khuyến cáo người dân không nên sử dụng các dịch vụ này. Bởi loại hình quảng cáo này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo, nhất là các dịch vụ cho vay tiền. Đó có thể là những “cái bẫy” khiến người dân sa vào “tín dụng đen” với những khoản lãi suất khổng lồ, không thể trả nổi.
Có thể khẳng định rằng không khó để ngăn chặn, xóa bỏ nạn quảng cáo, rao vặt sai quy định nếu như vấn đề này được chính quyền các địa phương quan tâm đúng mức và các giải pháp được triển khai đồng bộ và quyết liệt. Đồng thời, mỗi người trong cộng đồng có ý thức giữ gìn đường phố, không gian công cộng – nơi mình sinh sống, qua lại hàng ngày - luôn sạch đẹp.