“Khi mới bắt đầu, mình chỉ nghĩ đơn giản sẽ đến một nơi, trao quà một buổi nhưng có đi mới biết, mới thấy, mới đau xót cho Hà Nội, có đi mới biết còn quá nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ. Con đường đi ấy mình đi mãi mà chưa quay lại vì người đói còn nhiều lắm mọi người ạ...” - đó là chia sẻ của chị Đỗ Giáng Hương, một giáo viên ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội viết trên trang facebook cá nhân những ngày gần đây.

Khi cả đất nước, cả Hà Nội đang gồng mình chống dịch, việc cần thiết là phải ở yên một chỗ, hạn chế tiếp xúc để đẩy lùi dịch bệnh. Thế nhưng, những người lao động tự do, công nhân mất việc, sinh viên nghèo...sẽ sống sao khi không còn tiền và cái đói bủa vây ngày này qua ngày khác. Và họ cũng không thể ra ngoài, không tìm được việc để kiếm tiền, nhất là trong thời điểm thành phố giãn cách. Đồng cảm với những khó khăn của người lao động xa quê đang mắc kẹt trong thành phố, chị Giáng Hương đã kêu gọi hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu những mong san sẻ bớt gánh nặng với những người lao động tự do, công nhân mất việc và những sinh viên nghèo.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhiều người lao động. Nhiều người mất việc, mất thu nhập, đi về quê không được, đành ở lại cố sống qua mùa dịch. “Nhà em có 2 con nhỏ, đi thuê trọ, chồng em cũng nghỉ làm nên rất khó khăn. Trước đi làm con cái đỡ khổ hơn, giờ giãn cách, phải nghỉ việc, thu nhập không có, mọi thứ phải rất tiết kiệm”- chị Hoàng Thị Thanh ở Hà Tĩnh bày tỏ. Nhờ lương thực, thực phẩm được hỗ trợ, chị Thanh an lòng ở yên một chỗ vượt qua những ngày tháng dịch bệnh này.

Những phần quà thực sự ý nghĩa với người lao động bị mắc kẹt như chị Dương Thu Hồng quê Thái Nguyên. “Tôi được nhận nước mắm, dầu ăn, lạc, gạo...rất vui khi được nhận phần quà hỗ trợ này, đây là đợt thứ 2 rồi. Những thực phẩm này thực sự thiết yếu với cuộc sống của mình”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn quê Quảng Ninh cùng vợ ra Hà Nội mưu sinh, thuê trọ trên địa bàn phường Ngọc Khánh. Đã 2 tháng nay anh xin khất tiền nhà, tiền điện nước thì vay mượn để đóng, còn ăn uống cũng đỡ phần nào khi được hỗ trợ thường xuyên. “Giãn cách thế này vừa không có tiền, vừa không được ra ngoài nên sống dựa vào sự giúp đỡ của mọi người là chính” - anh Tuấn xúc động nói.

Trên trang facebook cá nhân chị Giáng Hương viết nhiều lời kêu gọi “Ai biết các nguồn cung thực phẩm như gạo, trứng, rau...bán sỉ số lượng lớn hãy chỉ giúp; ai còn ít thức ăn xin chia sẻ 10 nghìn, 20 nghìn; ai còn đủ thức ăn xin chia sẻ 100 nghìn, 200 nghìn cho bà con..”.

Tấm lòng của chị Hương đã lan tỏa tới nhiều người. Trần Hà Phương Nhi, một bạn trẻ xung phong tình nguyện, chung tay cùng chị Hương đưa lương thực, thực phẩm tới tay người dân chia sẻ: “Em mong muốn góp sức trẻ vào giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, nhất là trong đượt giãn cách này”.

Mỗi tuần hàng trăm phần quà thực phẩm được phát miễn phí cho người lao động bị mắc kẹt. Tất cả quy trình phát đều tránh tiếp xúc, từng người đến nhận bắt buộc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 mét, rửa tay sát khuẩn và ghi thông tin cá nhân. Sau đó nhận đồ rồi đi mới đến người tiếp theo để đảm bảo nguyên tắc phòng dịch và không tập trung đông người.

Nhiều tình nguyện viên không quản ngày đêm, sớm tối làm hết sức mình để trao tận tay cho những lao động mắc kẹt và sinh viên nghèo. “Ông cha ta thường dạy “một miếng khi đói bằng một gói khi no” trong những lúc cả đất nước, cả phường khó khăn, nhỏ hơn là khu phố tôi có nhiều người lao động xa quê không về được, mắc kẹt ở thành phố. Chúng tôi mong muốn góp sức giúp đỡ họ phần nào, phát lương thực tới tận tay, không để ai bị đói” – bà Mai Thị Hậu - một tình nguyện viên cao tuổi ở cụm dân cư số 9, phường Ngọc Khánh rất hào hứng khi góp một phần nhỏ bé vào hỗ trợ người dân.

Mới đây, chị Giáng Hương còn kêu gọi hỗ trợ được 4 máy đo huyết áp điện tử cho đội tiêm vaccine phòng COVID-19 của huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Chị Trịnh Thị Hà - Nhân viên y tế Huyện Chương Mỹ vui mừng chia sẻ: “Hàng ngày mỗi đội tiêm phụ trách khoảng 300 người, có máy đo huyết áp điện tử chúng tôi tiết kiệm công sức hơn, đỡ mệt hơn, dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc khám sàng lọc trước khi tiêm. Cảm ơn tấm lòng của chị Giáng Hương và các mạnh thường quân”.

Sự hỗ trợ trong lúc này không chỉ giúp người lao động bị mắc kẹt có cuộc sống tạm ổn trong mùa dịch mà còn có ý nghĩa tinh thần không thể đo đếm được. Đó là sự sẻ chia, đồng cảm không chỉ của riêng chị Giáng Hương, mà là tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của hai tiếng “đồng bào” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, lòng tốt, những việc làm tử tế luôn lan tỏa trong cộng đồng. “Chị Giáng Hương là người tập hợp tất cả những nhu yếu phẩm thiết yếu, phối hợp với Mặt trận tổ quốc phường, chủ động lên danh sách cụ thể và kịp thời hỗ trợ ngay cho người dân. Đợt vừa đây, Mặt trận phường cùng chị Giáng Hương đã hỗ trợ gần 300 lao động mắc kẹt trên địa bàn phường, trong đó có những sản phụ mới sinh thuê trọ ở Bệnh viện nhi và phụ sản TW” - anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc phường Ngọc Khánh đánh giá cao những hỗ trợ của chị Giáng Hương thời gian qua.

Việc làm ý nghĩa của chị Hương đã góp phần xoa dịu nỗi lo lắng và vơi đi nỗi nhớ nhà của những lao động và sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ phường Ngọc Khánh rất cảm kích trước nghĩa cử và tấm lòng nhân ái của chị Giáng Hương: “Tôi trân trọng chị Giáng Hương bởi nghĩa cử cao đẹp của chị. Chị ấy rất nhiệt tình, đồng hành cùng Hội liên hiệp Phụ nữ, chính quyền phường trong trợ giúp người khó khăn trong thời gian giãn cách của thành phố”.

Dịch bệnh đã làm đảo lộn cuộc sống của tất cả chúng ta. Hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân tương ái lại càng được nhân lên. Việc làm của chị Hương thêm một lần nữa đã truyền động lực cho mỗi người để cùng sát cánh bên nhau trong thời gian cao điểm chống dịch này./.