Gác chuyện về quê
Cùng thời gian này của năm trước, anh Trần Văn Thành ở Bình Dương chính thức rời nhà máy giày da cùng với 700 người lao động khác. Anh đặt cược ngày tháng tiếp theo vào những bộ hồ sơ xin việc dải khắp các công ty.
"Tôi cũng đi tìm việc làm mà chẳng có gì cả" - anh Thành ngán ngẩm - "Thị trường trong này biến động, khó khăn chung, người ta giảm biên chế. Ví dụ 100 người thì giảm đi 50 chục người thì 50 chục người còn lại gánh vác hết, áp lực nhiều, lương vẫn có bấy nhiêu".
Sổ bảo hiểm xã hội đóng 13 năm giúp anh trả được tiền nhà trọ vài tháng. Đời công nhân vẫn ngổn ngang trăm mối lo nếu không có việc làm, tiền nhà trọ, tiền sữa bỉm, tiền học, tiền gửi con và tiền sinh hoạt của gia đình 4 người. Anh ra chợ lao động, ai thuê gì thì làm. "Bấp bênh lắm, có tháng đi làm có 8 công (8 ngày)" - anh nói.
Còn chị Lê Thị Tâm ở An Giang thì may mắn hơn, tuần vẫn đến nhà máy vài ngày. “Có việc là có tiền” – Tâm tự nhủ. Công ty xuất khẩu thủy sản nơi Tâm làm việc được xếp vào hạng lớn nhất An Giang nhưng năm nay vẫn không tránh được cuộc khủng hoảng kinh tế chung.
"Công ty em làm 2-3 ngày là nghỉ luân phiên hoặc khi có công việc nhà máy sẽ thông báo. Đơn hàng không có, sản xuất ít lại" - Tâm kể.
Cuối năm, người lao động ở đâu cũng nghĩ đến đường về quê nhà, có mẹ có cha. Tâm cũng vậy, 3 năm qua, hai con của anh chị vẫn chưa được gặp ông bà nội. Từ đầu năm, vợ chồng tính toán sẽ tiết kiệm để mua vé máy bay về quê đón Tết. "Vợ chồng em đều là công nhân và đều thu nhập bấp bênh thì chỉ đủ tiền cho con ăn học và sinh hoạt phí chứ không dư" - Tâm chia sẻ.
Tâm cũng như bao người khác thời điểm này đang ngồi nhẩm tính "vé máy bay một chiều là 3 triệu/ người. Cả nhà sẽ khoảng 15 triệu cộng với tiền xe cộ cũng hết 20 triệu". Số tiền đó bằng 2 tháng lương của vợ chồng em cộng lại.
Anh Thành cũng vậy, cố lắm thì cũng chỉ mua được vé xe khách về quê vợ ở Đồng Tháp. "100% không về quê nội được rồi, tiền nhà hàng tháng còn phải xoay xở" - anh nói với phóng viên. Quê nội của sắp nhỏ chỉ 2 giờ bay mà bao năm qua cái hẹn về quê vẫn thấy xa vời.
Để người lao động có Tết
Trong quý III năm 2023, kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khởi sắc, các tổ chức quốc tế điều chỉnh dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với những dự báo đưa ra trước đó. Thị trường lao động trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển có tỷ lệ thất nghiệp thấp và cơ hội việc làm cho người lao động đang gia tăng.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê, lực lượng lao động, số người có việc làm quý III năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm tăng nhưng tỷ lệ thiếu việc làm quý này không thay đổi so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước, người lao động ở khu vực công nghiệp và xây dựng chịu tác động nhiều nhất.
So với quý trước, thất nghiệp quý III tăng về số lượng và không thay đổi về tỷ lệ. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo giảm xuống, do sức cầu tại các nền kinh tế phát triển hàng đầu đang yếu đi và tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến cũng giảm, các doanh nghiệp và thị trường lao động Việt Nam đều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động của kinh tế toàn cầu. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 khoảng 1,08 triệu người, tăng 6,3 nghìn người so với quý trước và tăng 22,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 là 2,30%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Bước sang quý III/2023, thu nhập bình quân của lao động tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đã chậm lại đáng kể, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,7%).
Trước tình hình đó, trả lời phóng viên VOV2, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Liên đoàn đã dự báo tình hình khó khăn của năm nay và chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động. Theo đó, Liên đoàn các tỉnh sớm có chỉ đạo trực tiếp đến công đoàn cơ sở, doanh nghiệp nắm tình hình.
"Phân loại doanh nghiệp mức độ khó khăn khác nhau để đối thoại thương lượng. Doanh nghiệp nào có điều kiện vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thưởng Tết với họ không chỉ có giá trị vật chất mà còn có giá trị tinh thần rất lớn" - ông Hiểu nói. Liên đoàn đã xây dựng kế hoạch đón Tết cho người lao động, trong đó dành ra khoản kinh phí chi cho 10% anh chị em khó khăn nhất để trao quà tặng, chuyến xe, vé máy bay 0 đồng hoặc giảm phí. Huy động nguồn lực chung của xã hội tại chính địa phương để chia sẻ hỗ trợ công nhân.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ để có ngân sách chăm lo cho người lao động trước Tết" - ông Hiểu cho biết.