Nhận định về tình hình thị trường hàng hóa cuối năm, ông Trần Việt Hùng – Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng vẫn tồn tại với các mức độ khác nhau. Hàng giả đa số được sản xuất ở nước ngoài và thẩm lậu vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau như đường thủy, đường bộ, hàng không. Hàng hóa thường được tập trung ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh gắn nhãn mác hàng Việt Nam sau đó đưa đi tiêu thụ tại nhiều địa phương. Đối với thực phẩm, một số đối tượng mua hàng hết hạn sử dụng và đưa về Việt Nam đóng gói, dập lại hạn mới nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Điển hình như vụ việc hơn 3 tấn bánh quy đã hết hạn sử dụng từ tháng 2.2020 được Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang tại xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội “phù phép” thành hàng mới sản xuất mà các lực lượng chức năng vừa phát hiện được vào tuần trước.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử rất phổ biến và mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc kinh doanh trên mạng để quảng bá hoặc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, thậm chí hàng cấm mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý. "Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn thư và điện thoại qua đường dây nóng từ người tiêu dùng phản ánh, tố cáo về việc mua phải hàng không đảm bảo chất lượng và không đúng theo đơn đặt hàng qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử” - ông Trần Việt Hùng cho biết.

Các đối tượng buôn lậu và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng sử dụng rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn để "qua mặt" cơ quan chức năng và lợi dụng kẽ hở của pháp luật. Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và bắt quả tang những vụ việc vi phạm về thương mại. "Có vụ, chúng tôi phải cử trinh sát theo dõi hàng tháng hoặc hai tháng trời mới bắt được quả tang và đủ chứng cứ để xử lý"- ông Trần Việt Hùng chia sẻ.

Năm 2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý hơn 5.700 vụ việc gian lận thương mại, với tổng số tiền xử phạt hành chính gần 50 tỷ đồng, trị giá số hàng tịch thu và tiêu hủy là hơn 80 tỷ đồng. Nhiều vụ việc cũng đã được chuyển sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong dịp Tết, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội sẽ tập trung tăng cường công tác trinh sát, tập trung kiểm tra kiểm soát các kho hàng, bến bãi, các kho thực phẩm đông lạnh để “siết chặt” quản lý, kiên quyết không cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng có cơ hội tràn ra thị trường.

Ngoài việc tăng cường kiểm tra kiểm soát, giao trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên tại các quận, huyện phải quán xuyến, nắm bắt thị trường và các cơ sỏ sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tổ chức thông tin tuyên truyền, ký cam kết với các cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh về việc tuân thủ các quy định pháp luật về đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và bình ổn giá cả.

Bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cũng có thể góp phần ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bằng cách trở thành người tiêu dùng thông minh, lựa chọn những sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại những địa chỉ tin cậy để sử dụng.

“Nếu người dân phát hiện các vụ việc sản xuất hàng giả, gian lận thương mại hay việc tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý trong dịp Tết, có thể thông báo tới cơ quan chức năng bằng cách gọi điện tới đường dây nóng của Tổng cục Quản lý thị trường theo số 1900888655 hoặc số máy đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường Hà Nội là 0907186688”- ông Trần Việt Hùng thông tin.