“Cháu chào chú! Cháu là Phúc ở Làng Nủ. Bố mẹ cháu mất hết rồi. Cháu muốn nhờ chú làm cho cái ảnh gia đình có bố mẹ và anh em cháu” - Đó là những dòng tin nhắn của em Hoàng Xuân Phúc ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Em là một trong nhiều đứa trẻ mồ côi sau trận lũ quét ngày 10/9 vừa qua. Để nguôi ngoai nỗi nhớ cha mẹ cũng như muốn có một tấm ảnh chỉn chu của cả gia đình, nhờ người quen giới thiệu, Phúc đã nhắn tin cho nhóm “Skyline – Nét ảnh vượt bão” nhờ ghép một tấm ảnh đầy đủ cả gia đình để làm kỷ niệm.

Sau khi nhận tin nhắn, nhón Skyline đã nhiều đêm thức trắng ngồi trước máy tính để phục dựng miễn phí bức ảnh gia đình chân thực nhất gửi tới em. Bức ảnh gia đình của Phúc là một trong số hàng chục bức ảnh gia đình đã được nhóm phục dựng thành công gửi tới bà con. "Khi các gia đình ước nguyện có tấm ảnh như thế thì không lý do gì chúng tôi không làm, mà phải làm thật tốt, thật trọn vẹn trong thời gian sớm nhất để kịp thời động viên bà con. Đặc biệt, trong những tấm ảnh, chúng tôi luôn tái hiện những cái ôm, những cái cầm tay, không hề giống như những bức ảnh ghép mà giống như những bức ảnh gia đình mới chụp gần đây, trọn vẹn và hạnh phúc", anh Phùng Quang Trung – trưởng nhóm Skyline chia sẻ.

Phục dựng một bức ảnh không đơn thuần chỉ là ghép nối những mảnh vỡ mà đó còn là một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và tâm huyết. Để có tấm ảnh trọn vẹn nhất, chỉn chu nhất cần rất nhiều thời gian. Đa số các bức ảnh do nhóm thực hiện phải mất từ 5 – 6 tiếng, có bức ảnh do tư liệu gốc bị thiếu, hạn chế nhóm phải mất tới 18 tiếng để hoàn thiện. Đinh Hoàng Giang – một thành viên trong nhóm cho biết dù công việc mất nhiều thời gian công sức nhưng anh em trong nhóm luôn động viên nhau đồng lòng nhất trí để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát với bà con.

Nhóm dự án “Skyline – Nét Ảnh vượt bão” gồm 8 thành viên, đều là các bạn trẻ, làm việc với mong muốn được chia sẻ và xoa dịu nỗi đau với bà con. Vì thế, dù còn nhiều việc phải làm nhưng mỗi khi nhận được tin nhắn yêu cầu trợ giúp, Lưu Hoàng Vũ sẽ gác lại mọi việc để ưu tiên thực hiện công việc ý nghĩa này. “Dù đã nhiều lần phục dựng ảnh cho người đã khuất nhưng trước yêu cầu và đề nghị của bà con Làng Nủ, nhóm Skyline thấy “nhiệm vụ” lần này rất “đặc biệt”. Vì vậy, dù khó khăn đến mấy nhóm luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành công việc giúp bà con lưu giữ lại những kỷ niệm cuối cùng về người thân đã mất”, Vũ cho biết.

Sau gần một tháng nỗ lực sưu tầm tư liệu, do các gia đình gửi tới nhóm “Skyline - Nét ảnh vượt bão” đã trao hàng chục bức ảnh và khung hình lớn nhỏ cho người dân Làng Nủ. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện khác nhau về nỗi đau mất mát người thân, đồng thời cũng là kỷ vật thiêng liêng của những người đã khuất.

Gia đình chị Đặng Thị Ních có 7 người thì mất 4, là mẹ chồng, chồng và hai con. Đau xót hơn là con gái lớn của chị đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể. Cơn lũ dữ đã cuốn trôi toàn bộ những kỷ vật của người thân. Trước đó, gia đình chị chưa có dịp chụp ảnh chung cùng nhau. Nhờ có nhóm “Skyline - Nét ảnh vượt bão”, tâm nguyện lớn nhất của chị là có bức ảnh đầy đủ các thành viên trong gia đình đã thành hiện thực. Khi nhận ảnh, chị Ních không kìm được nước mắt. “Em mong muốn làm bức ảnh gia đình từ lâu lắm rồi nhưng chưa có cơ hội, đến giờ này em có tấm ảnh trọn vẹn rồi thì người thân em không còn nữa, chỉ sau một trận lũ quét, gia đình em âm dương cách biệt”- chị Ních nghẹn ngào.

Năm ngoái, em Nguyễn Văn Hành mất bố do ung thư, năm nay trận lũ quét lại tiếp tục lấy đi người mẹ thân yêu. Chỉ sau một đêm em thành trẻ mồ côi, không nhà cửa, một mình côi cút với nỗi nhớ bố, nhớ mẹ quay quắt. Em mơ ước có một tấm ảnh đầy đủ bố mẹ để làm kỷ niệm. “Em không có nhiều tấm ảnh chụp chung với bố mẹ. Hôm rồi, em phải lục lại Facebook mới tìm được bức hình hiếm hoi của bố mẹ, gửi cho anh Trung nhờ anh giúp đỡ. Khi nhận được bức ảnh gia đình hoàn thiện từ anh Trung, em rất xúc động, nhìn tấm ảnh em sẽ đỡ nhớ bố mẹ hơn”, Hành xúc động.

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện khác nhau về sự đau thương, mất mát. Đó là nỗi đau của người mẹ mất con, chồng mất vợ, những đứa trẻ mất đi cha mẹ - nguồn sống của mình. Khi nhận tấm ảnh gia đình đoàn tụ, chị Nguyễn Thị Sành cảm giác như người thân vừa trở về. "Nhìn ảnh thấy như bố mẹ vẫn còn sống, đang nhìn mình, buồn một cái là ảnh đây mà người thì không còn", chị Sành tâm sự.

Hơn 30 bức ảnh lớn nhỏ, được trao tặng đến bà con không chỉ là sự tri ân, tưởng nhớ đến người đã khuất mà còn là món quà vô giá tiếp thêm động lực để những người ở lại tiếp tục vươn lên trong cuộc sống./.

Mời nghe chương trình tại đây: