Sau hơn 30 năm triển khai chính sách bảo hiểm y tế và hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật bảo hiểm y tế Việt Nam, có thể nói rằng mục tiêu dần tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân đang bước đầu có kết quả. Quỹ bảo hiểm y tế đã dần trở thành một trong những nguồn lực tài chính quan trọng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công và tư ở Việt Nam. Không những thế, quỹ này đã trở thành nguồn tài chính chủ lực và đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao. Nguồn lực từ bảo hiểm y tế đã trở thành một nguồn lực kinh tế quan trọng và có cơ cấu, cấu phần ngày càng có ý nghĩa trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình triển khai Luật bảo hiểm y tế tại nước ta cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam đang phải đối mặt tốc độ già hóa dân số nhanh, mô hình bệnh tật thay đổi. Cùng với đó là quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quá trình thực hiện bảo hiểm y tế tại Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Do đó, chính sách bảo hiểm y tế cần được điều chỉnh để giải quyết những khó khăn hiện tại cũng như phù hợp với bối cảnh hiện nay. Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế luôn là ưu tiên của BHXH Việt Nam trong việc xây dựng chính sách nói chung và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế nói riêng.

Ông Emin Turan, Tổng giám đốc Sanofi Việt Nam và Campuchia đánh giá, việc sửa đổi kịp thời Luật Bảo hiểm Y tế là một cơ hội để Việt Nam xây dựng các chính sách quản lý và duy trì hiệu quả cơ chế tài chính công trong công tác chăm sóc sức khỏe, cũng như tăng cường và mở rộng khả năng tiếp cận, lựa chọn của bệnh nhân với các phương pháp điều trị mới, an toàn và hiệu quả.

Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm quốc tế hữu ích về xây dựng Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có việc thực hiện gói bảo hiểm y tế bổ sung. Dự kiến, khái niệm này sẽ đưa vào Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi). Bà Barbara Dinh, Phụ trách nhóm công tác Tài chính y tế, Pharma Group cho biết, loại hình Bảo hiểm y tế bổ sung không phải là một khái niệm mới, nhưng có thể có sự khác nhau trong việc triển khai giữa các quốc gia tùy thuộc vào dữ liệu nhân khẩu học và các yếu tố khác. Việc xem xét đưa vào áp dụng mô hình này thông qua việc sửa đổi Luật bảo hiểm y tế lần này thể hiện nỗ lực đổi mới chính sách bảo hiểm y tế của Chính phủ Việt Nam.

Bên cạnh mô hình bảo hiểm y tế bổ sung, các mô hình tài chính mới và cơ hội đổi mới từ bảo hiểm y tế tư nhân cũng là những kinh nghiệm thực tiễn hay mà Việt Nam có thể tham khảo. Việc đánh giá các mô hình bảo hiểm y tế bổ sung ở các quốc gia khác dưới nhiều góc độ cũng như phương thức huy động các nguồn lực khác nhau đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Bảo hiểm y tế là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Luật bảo hiểm y tế đang trong quá trình sửa đổi cũng đòi hỏi tìm kiếm các giải pháp bền vững về tài chính để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của người dân. Việc sửa đổi Luật bảo hiểm y tế lần này sẽ hướng tới mục tiêu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về bảo hiểm y tế , phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và xu thế phát triển./.