Theo Đề án quy hoạch phân khu đô thị nội đô, trong đó có 4 quận nội thành là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, sẽ phải di dời khoảng 215.000 người dân tại khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Gươm và vùng phụ cận tới nơi khác sinh sống. Sau khi biết thông tin này, hơn ai hết, người dân đều mong mỏi có một nơi ở mới rộng rãi, khang trang hơn, mà ở đó điều kiện sống chắc chắn sẽ tốt hơn những gì họ đang có: nhà cửa rộng hơn, khu vệ sinh riêng biệt không phải chung đụng, trẻ con có sân chơi, cây xanh để phát triển…những điều mà hàng chục năm qua nhiều hộ dân trong phố cổ có lẽ chẳng bao giờ được hưởng.

Mặt ngoài của phố cổ Hà Nội là sự sầm uất của đô thị phát triển, nào là quán xá ngay vỉa hè, bước chân ra khỏi ngõ là sầm uất cửa hàng, la liệt gánh hàng rong… nhưng bên trong đó lại là hàng ngàn hộ dân đang phải sống chen chúc trong những căn nhà chật chội và bí bách.

Nhà số 74 phố Hàng Khoai (Hoàn Kiếm), rộng chừng 30m2 là nơi ở của 3 hộ dân gồm 15 nhân khẩu. Gia đình chị Đinh Thị Lý sinh sống trên tầng cao nhất có diện tích khoảng 10m2, nhưng lại là gác xép của nhà. Vì không có cửa ra vào nên hàng ngày, nhà chị Lý phải leo lên cầu thang, chui qua ô thoáng để vào được nhà. Nhiều lúc cũng thấy chật chội, bí bức nhưng do …quen và không thể thay đổi nên hơn chục năm qua, gia đình 4 người nhà chị vẫn phải sống. Càng ở càng bất tiện, vì khu vệ sinh và tắm rửa đều ở phía dưới, nên phải nhìn nhau mà sống, chứ không là hàng xóm xích mích ngay.

Cùng chung cảnh ở “phố cổ” như vậy, gia đình bà Trần Thị Dung sống ở sâu trong con ngõ số 61, Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng rất chật chội. Căn nhà nơi bà Dung ở đang nứt vỡ từng mảng tường, trần theo thời gian. Nhiều khi không mưa, nhưng vợ chồng bà vẫn phải trải tấm nilon khắp nhà, hứng chậu để tránh nước dột. Khổ như vậy nên mong ước từ lâu của gia đình bà là Nhà nước chuyển đổi làm cho những hộ dân xung quanh được nâng cấp nhà, hoặc được chuyển nơi khác.

Nhiều người dân cũng lo lắng sẽ mưu sinh ra sao nếu không được ở trong khu phố cổ. Bởi với nhiều hộ dân quanh khu vực quận Hoàn Kiếm, cuộc sống, buôn bán làm ăn hàng ngày đều gắn với vỉa hè, khu phố, rồi khi chuyển đi chuyện con cái đi học thế nào cũng thành trở ngại.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhận định, quy hoạch phân khu 4 quận nội thành trong đó có quận Hoàn Kiếm nêu rất rõ, Hà Nội đã có phương án di dời, tái định cư hợp lý cho người dân. Đề án giãn dân khu phố cổ cũng được quận Hoàn Kiếm thực hiện trong nhiều năm qua với mục đích: Để người dân có điều kiện sống tốt nhất. Phố cổ cần được nhường lại diện tích cho việc phát huy giá trị di sản, phục vụ du lịch, thương mại…Ông Phạm Tuấn Long cũng cho biết, Đề án hiện nay đang trong giai đoạn lập và nghiên cứu. Các cơ quan chức năng của 4 quận nội đô và thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra, lập hồ sơ hiện trạng để phục vụ cho hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế để lập quy hoạch. Căn cứ vào các chỉ tiêu về quy hoạch như dân cư, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch về phát triển không gian. Từ đó sẽ quyết định số lượng dân cư ở từng khu vực, từng quận huyện cho phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố.

Nhu cầu chỗ ở và sinh hoạt của người dân Thủ đô đã thay đổi so với trước đây rất nhiều, khu vực phố cổ đã không thể đáp ứng được cho một đô thị gần 10 triệu dân. Vì vậy Quy hoạch là điều cần thiết. Phố cổ giờ đây cần nhường lại diện tích cho việc phát huy giá trị di sản, phục vụ du lịch, thương mại thay vì chật chội, ngột ngạt sống như hiện nay. Các chuyên gia đô thi cũng có chung nhận định rằng đáng ra Hà Nội cần quy hoạch từ sớm, để đảm bảo đời sống thuận lợi cho nhân dân đồng thời phục hồi, bảo vệ nguyên trạng các di tích trong lòng phố cổ. Hàng trăm di sản văn hóa, hơn 1.000 biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp đều nằm trong 4 quận vùng lõi của Hà Nội. Quy hoạch phân khu nội đô được kỳ vọng là cơ hội để phục hồi, bảo vệ các công trình, di tích lịch sử và giúp người dân thoát khỏi cảnh “phố chật, sống chen chúc”. Theo ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nếu không có quy hoạch thì Thủ đô vẫn “ nhếch nhác” cho dù đã được mở rộng, vì vậy người dân cần đồng thuận dẫu có phải di dời để Hà Nội thực sự trở nên xanh, sạch, đẹp.

Nghe nội dung bài viết dưới đây: