Tại hội thảo “Định hướng truyền thông về Tháng hành động vì trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, do Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức mới đây, đã đưa thông tin: Tính đến tháng 2/2021, Việt Nam có 72 triệu tài khoản mạng xã hội và 68,72 triệu người dùng Internet (chiếm 70,3% dân số). Do dịch bệnh Covid-19, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh thiếu niên sử dụng Internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều này làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm bắt nạt trên mạng và bạo lực mạng trên cơ sở giới.
Ông Đặng Quốc Việt, đại diện tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ, khảo sát do tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện cho thấy chỉ có 10% trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng Internet. Trong bối cảnh đó đòi hỏi phải hiểu sâu sắc về thực trạng và xác định những lỗ hổng về năng lực, hành lang pháp lý, môi trường văn hóa xã hội để đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.
Plan International là tổ chức quốc tế hoạt động tại hơn 75 quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái với mục tiêu xóa bỏ đói nghèo và vì sự phát triển toàn diện của các em. Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993, Tổ chức Plan đã hợp tác chặt chẽ với cộng đồng và cơ quan chính quyền địa phương các cấp để xây dựng tương lai tốt hơn cho trẻ em. Chiến lược 5 năm lần thứ 5 của Plan International Việt Nam đặt trọng tâm Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trên các môi trường gia đình, nhà trường, nơi công cộng và trên không gian mạng.
Còn theo một báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong quý 1 năm nay, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202 nghìn cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021). Thống kê của Cục Trẻ em cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so với quý 1 năm 2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt bóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi. Các trường hợp xâm hại trẻ em khi được Tổng đài 111 tiếp nhận sẽ được xác minh, kết nối với địa phương (nơi các em bị xâm hại) và các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Hiện nay công tác truyền thông và nhận thức về an toàn của trẻ em trên môi trường mạng đang có nhiều khoảng trống lớn chưa được lấp đầy. Vấn đề trẻ em không còn là vấn đề quyền con người mà còn là vấn đề hội nhập và phát triển kinh tế, nhiều quốc gia sẵn sàng lập rào cản thương mại đối với những nền kinh tế bóc lột và lợi dụng trẻ em.
Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, truyền thông phải đóng vai trò tiên phong trong nâng cao nhận thức, trách nghiệm của các bên liên quan trong bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, truyền thông và các cơ quan chức năng cũng cần tôn trọng lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Báo chí và truyền thông cũng cần giúp cho xã hội, các bậc phụ huynh nhận thức tốt và cập nhật các kiến thức kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em bởi phụ huynh chính là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em. Ngoài ra cần tuyên truyền về kỹ năng tổ chức một môi trường sống an toàn. Việc phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục cần có kỹ năng và sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền và gia đình.
“Đó cũng chính là tinh thần trong thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”…, ông Đặng Hoa Nam, khẳng định.
Thực tế, thời gian vừa qua, những hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực trẻ em trong gia đình và xâm hại tình dục diễn ra khá phức tạp. Bởi vậy theo ông Nam, cần thiết phải tăng cường nhận thức hành vi của xã hội, của cộng đồng dân cư, mỗi người dân phải mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi, các nghi ngờ về xâm hại trẻ em.
“Đừng để xảy ra vụ việc khi nó quá phức tạp rồi, gây hậu quả nghiêm trọng rồi thì chúng ta mới giải quyết, mới can thiệp. Và chúng tôi chọn một trong những chìa khóa để tăng cường công tác phòng ngừa là vận động toàn xã hội quan tâm hơn nữa, chú ý hơn nữa để phát hiện kịp thời những nghi ngờ, những hành vi xâm hại trẻ em để thông báo, tố giác kịp thời đến cơ quan chức năng”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.