Với người nội trợ, túi nilon là mặt hàng không thể thiếu mỗi khi đi chợ. Đến bất kỳ một chợ dân sinh nào cũng có thể thấy túi nion ở tất cả các sạp hàng, từ rau củ quả, thực phẩm tươi sống đến các loại đồ khô, đồ chín. “Cũng biết việc sử dụng túi nilon sẽ có tác động không nhỏ đến môi trường nhưng do tính tiện lợi, gọn nhẹ và dễ dùng nên khó có thể thay đổi thói quen dùng túi nilon. Mỗi ngày đi chợ tôi thường sử dụng từ 3 – 4 chiếc túi nilon để đựng thực phẩm, nhiều mặt hàng như thịt cá có khi người bán còn lồng 2 – 3 chiếc túi vào với nhau”, bà Nguyễn Thị Lan ở Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Pháp luật hiện nay có quy định túi nilon là mặt hàng chịu thuế môi trường với mức thuế là cao nhất là 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay giá túi nilon trên thị trường khá rẻ. 1 kg cũng chỉ có giá từ 35.000 - 40.000 đồng, thậm chí có nơi còn bán chỉ hơn 20.000 đồng/kg, rẻ hơn cả mức phải chịu thuế.

So với mức thuế của nhiều nước trên thế giới như Anh 1.400 đồng/túi; Ai-len: 6.600 đồng/túi; Hong Kong (Trung Quốc) 1.500 đồng/túi thì mức áp thuế lên túi nilon của nước ta là khá thấp (khoảng 500 đồng/túi). Đây cũng là nguyên nhân khiến túi nilon được sử dụng tràn lan và xả trực tiếp ra môi trường như hiện nay. Vì vậy, mong muốn nhà nước nên nghiên cứu để đánh thuế nặng hơn, không phải là 50 nghìn mà có thể cao hơn, tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng trước mắt những doanh nghiệp sản xuất phải chịu mức thuế đầu tiên, khi đó sẽ không còn cảnh xin cho túi một cách dễ dàng như hiện nay, người tiêu dùng muốn dùng túi thì phải trả thêm tiền.

Đưa hộp nhựa, hộp xốp đóng gói vào diện chịu thuế cùng với túi nilon và tăng thuế suất bảo vệ môi trường với những mặt hàng này là cần thiết để ngăn ngừa tình trạng “ô nhiễm trắng” ở nước ta. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thay đổi lại cách đánh thuế, chẳng hạn đánh thuế theo số lượng túi thay vì trên khối lượng như hiện nay. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng các doanh nghiệp sẽ sản xuất các loại túi nilon mỏng hơn. Khi thuế và các chi phí tăng lên, các nhà bán lẻ sẽ không thể cho miễn phí như hiện nay, cùng với đó người tiêu dùng cũng phải chia sẻ chi phí này. Có như vậy mới giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon. TS.Nguyễn Hoàng Nam, điều phối viên Quốc gia mạng lưới tăng trưởng thích ứng với khí hậu cho rằng nhiều quốc gia đánh thuế vào số lượng túi được mua bán trên thị trường thay vì đánh thuế vào số lượng túi nilon được xuất ra thị trường như ở nước ta hiện nay. Khi đánh thuế vào người sản xuất hay người tiêu dùng thì gánh nặng thuế sẽ được thị trường điều tiết chia cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Việc chúng ta thực hiện điều chỉnh đánh thuế trên túi nilon được mua bán có tác dụng là giúp thu đúng và đủ lượng thuế cần thu và cũng dễ dàng hơn với người tiêu dùng trong việc điều chỉnh hành vi, ông Nam cho biết.

Cùng với việc tăng thuế các chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như: phân loại rác thải ngay tại nguồn; có các biện pháp xử lý rác thải phù hợp, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân để giảm thiểu việc xử dụng túi nilon. Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, phân loại rác tại nguồn là công việc có tầm quan trọng trong quá trình thu gom, tận dụng, xử lý rác thải, giúp cho việc thực hiên 3R đi vào hiện thực. Nếu các tổ chức, cá nhân làm tốt phân loại rác và các cơ quan thu gom xử lý có phương án thu gom, vận chuyển tốt, theo từng loại rác, đưa đúng loại rác đến nơi xử lý phù hợp, giảm chi phí, giảm tác động đến môi trường. Vì vậy, phân loại rác phải đi cùng với việc xây dựng dự án xử lý thích hợp.

Để giảm thiểu túi nilon, trước mắt chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tăng cường các giải pháp tiết giảm, tái chế, tái sử dụng tại nguồn, phổ biến rộng rãi các loại túi thân thiện với môi trường cho người dân. Bên cạnh đó nhà nước cũng cần nghiên cứu áp thuế cao hơn mặt hàng này ngang với các nước trên thế giới, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tái chế, có như vậy mới tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, tiến tới một xã hội không còn túi nilon và rác thải nhựa./.

Mời nghe bài viết tại đây: