Tết không chỉ là dịp để nghỉ ngơi, ăn Tết, chơi Tết mà còn là thời điểm để làm việc lễ nghĩa. Câu nói dân gian “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” không chỉ thể hiện sự biết ơn cha mẹ - những bậc sinh thành mà còn thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”, tri ân những thầy cô đã dạy dỗ mình. Bởi vậy, tục “Tết thầy” có từ thời xưa với cả một nền văn hóa coi trọng đạo học.
Những ngày Tết, không phân biệt già hay trẻ, địa vị cao hay thấp, chức vụ như thế nào, các thế hệ học trò thường cố gắng tập trung cùng nhau đến chúc Tết thầy cô giáo của mình. Đây cũng là dịp gặp gỡ bạn bè, ôn lại những câu chuyện xưa cũ, trở về với những ký ức đẹp nhất của tuổi học trò.

Tết thầy là trở về tuổi thơ
Đến hẹn lại lên, Tết này anh Đặng Minh Tuấn và các bạn đồng môn ở bốn phương lại trở về thăm thầy giáo cũ ở Hải Hậu, Nam Định. Dù từng dạy phổ thông và giờ đây là giảng viên Trường ĐH Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội song trở về gặp thầy, anh Tuấn vẫn như cậu học trò năm nào. Những cô cậu học trò giờ đã ở cái tuổi U40 rôm rả ôn lại chuyện cũ bên góc nhà giản dị với đủ đầy mứt, trà, bánh trái. Cả ký ức tuổi thơ tràn về qua những câu chuyện khi còn thơ bé được học với thầy cô”, anh Tuấn chia sẻ khoảnh khắc đó thấm đượm ý nghĩa của Tết đoàn viên. “Bây giờ công nghệ thông tin phát triển, nhiều công cụ liên lạc với thầy cô nhưng khi được gặp mặt trực tiếp thì đó là điều quý giá hơn nhiều so với những cuộc gọi điện từ xa".
“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. “Mùng 3 Tết thầy” có lẽ là tục lệ cổ xưa nhất trước khi có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Từ xưa đến nay, học trò ta luôn có phản xạ biết ơn thầy cô và muốn thể hiện điều đó. Có chút bùi ngùi khi nói rằng “những người thầy có ảnh hưởng trong cuộc sống và sự nghiệp của tôi gần như đều mất rồi”, GS. Phùng Hồ Hải – Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam kể mỗi khi có dịp ông đều đến thăm thầy cô giáo cũ của mình. Đặc biệt, gần như năm nào lớp ông cũng tổ chức một buổi gặp mặt có sự tham gia của cô giáo chủ nhiệm.
“Khi đi học, học trò đối với thầy cô vô tư, có lẽ nhiều khi phạm phải cả những lỗi lầm với thầy cô nhưng đó là kỷ niệm chung tuổi trẻ. Sau này khi lớn hơn, già đi thì đó là những thứ quý giá”, GS. Phùng Hồ Hải chia sẻ.
Tốt nghiệp thạc sĩ ở Paris, Nguyễn Đình Vũ hiện đang làm việc tại Viện Toán. Là cựu học sinh chuyên Toán, quê Đà Nẵng, Vũ nói bạn bè cùng lớp giờ có người ở Mỹ, có người ở Nhật. Thế nên, Tết là cơ hội quý giá được gặp lại bạn bè, thầy cô, chia sẻ chuyện học hành, công việc trong một năm qua. “Mỗi lần gặp lại thầy cô của mình, câu chuyện thường xoay quanh công việc học hành, tình hình học sinh khóa dưới ở trường thế nào, sức khỏe thầy cô ra sao. Đó là một điều thiêng liêng với mình”.
Lúc đang đi học, Tết thầy rất quan trọng, nhưng sẽ đáng trân trọng hơn khi qua bao nhiêu năm học trò vẫn còn nhớ đến thầy, khắc ghi lời thầy. Chẳng những vậy mà người Nhật có câu thơ “Chân thành nhất những ai đến sau mùa hoa nở". 26 năm đi học, được tiếp xúc với cả thầy người Việt và nước ngoài, dịch giả Nguyễn Quốc Vương quan niệm, nếu thực sự yêu kính thầy cô thì sự tri ân lớn nhất là bản thân phải nỗ lực để thầy cô tự hào.
Ông kể, khi còn học ở Nhật Bản, ông được một cô giáo người Nhật dạy tiếng Nhật miễn phí trong suốt 5 năm. “Ở Nhật không có ngày nhà giáo và tôi cũng ít khi tặng quà cô. Khi về Việt Nam tôi làm giáo viên, còn hiện tại đang làm sách thì tôi luôn tâm niệm mình phải nỗ lực tối đa. Nếu giúp được ai đó, tôi sẵn sàng. Những lúc như vậy, tôi nghĩ mình đang nhớ đến người giáo viên dạy mình trước kia”, dịch giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ.
Giá trị của lòng biết ơn
Không biết từ bao giờ ông cha ta có câu “mồng một Tết cha, mồng 2 Tết mẹ, mồng 3 Tết thầy? Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội có thể xuất phát từ ngày xưa khi mỗi làng quê đều có ông thầy đồ. Ngày ấy, thường những học sinh được đi học là “ghê gớm” lắm. Hoặc đó là những người có chí hoặc gia đình có ý thức cho con đi học. Do vậy, ông cha ta muốn giáo dục đạo lý bên cạnh biết ơn cha mẹ sinh thành, dưỡng dục thì ông đồ cũng góp phần quan trọng vào sự trưởng thành của mỗi con người.
Theo thầy Tùng Lâm, ông cha ta nói điều này không phải nhắc đi lễ thầy như nhiều người nghĩ mà muốn giáo dục lòng biết ơn. Giá trị này giúp hình thành và phát triển nhân cách của một con người biết trước, biết sau, quý trọng những người đã giúp mình trưởng thành dù chỉ là ngộ ra một chân lý.

Ngày xưa, kiến thức của xã hội tập trung vào ông thầy nhưng ngày nay thầy cô giáo không chỉ làm nhiệm vụ trao truyền kiến thức. Bởi vì kiến thức đó đều có trên mạng. Nhưng điều đó không làm giảm đi vai trò của người thầy. Bởi theo thầy Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, mỗi giáo viên phải nhìn thấy được năng lực, tính cách của từng học sinh để dẫn dắt, chỉ bảo, động viên, khích lệ nhằm giúp trẻ phát triển đúng năng lực. Nghĩa là, mỗi ông thầy có sứ mệnh phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi học sinh để tự làm chủ cuộc sống, có văn hóa phát triển bản thân, biết vận dụng kiến thức, hiểu biết của mình để làm cuộc sống mình tốt hơn và giúp đỡ người khác.
Ông cha ta nói đến mùng 3 Tết thầy cần phải hiểu rộng ra đây không phải là ông thầy cụ thể mà muốn nói bao trùm những người đã giúp đỡ mình. Đó có thể là bạn bè, có thể là sách, báo…”Những người giúp đỡ, khai sáng cho mình dù trực tiếp hay gián tiếp đều phải biết ơn quý trọng, biến những những điều mình đã được khai sáng thành hiện thực để đi giúp đỡ người khác", thầy Tùng Lâm nói.
Cũng cần nói rằng, không chỉ biết ơn, quý trọng những người đang dạy mình mà nhớ đến những thầy cô trước đây từng dìu dắt mình trưởng thành còn quan trọng hơn.
“Trong năm mới Giáp Thìn 2024 chúng ta phải đổi mới cách suy nghĩ, cách sống để hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay. Thực hiện văn hóa phát triển bản thân theo sở trường, năng lực. Đừng biến ước mơ hàng xóm thành ước mơ của mình, biến ước mơ của người khác thành ước mơ của mình mà mình phải biết mình có khả năng gì để ước mơ cho phù hợp. Cuối cùng, trong hành trình kiên trì phát triển bản thân hãy nhớ đến những người đã giúp đỡ mình”, thầy Tùng Lâm nhắn nhủ./.