Cách đây hơn một năm, khi tình cờ được xem một phóng sự về đảo rác ở Thái Bình Dương, Trần Văn Thịnh - Chủ nhiệm CLB tình nguyện vì môi trường (SV WAO) đã rất bàng hoàng. Anh kể: phóng sự về đảo rác Thái Bình Dương - một cụm rác nổi rộng 1,6 triệu km2 được tạo nên từ 80 nghìn tấn rác nhựa khiến chúng tôi rất sửng sốt. Tìm hiểm thêm chúng tôi cũng bất ngờ vì Việt Nam đứng thứ 4 trong số 20 quốc gia đứng đầu về rác thải nhựa. Điều này bắt nguồn từ thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa như ống hút, cốc, các sản phẩm nhựa dùng một lần của người dân. Đây thực sự là sự đánh đổi lớn đối với hệ sinh thái cho hế thệ mai sau vì một chút tiện lợi của chúng ta bây giờ.

Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, Thịnh nhận thấy sự tiện lợi cũng như thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa của nhiều người chính là nguyên nhân hàng đầu khiến môi trường bị ô nhiễm. Đây cũng chính là điều thôi thúc Thịnh và các thành viên CLB thực hiện chiến dịch “Tháng không sử dụng nhựa". “Chúng tôi quyết định phải có hành động góp phần tuyên truyền giúp người dân nhận thức được tác hại nhựa và có ý thức giảm rác thải nhựa thông qua các hành động và thói quen đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày”, Thịnh chia sẻ.

Chiến dịch “Tháng không sử dụng nhựa” nhằm khuyến khích mọi người sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo thói quen mang hộp, bình đựng nước cá nhân, túi vải khi mua sắm và từ chối sử dụng túi nilon, chai nhựa nhiều nhất có thể. Qua đó lan tỏa những việc làm ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường. Để thực hiện chiến dịch này, các thành viên trong CLB sẽ thử thách bản thân trong vòng một tháng không sử dụng bất kỳ sản phẩm nhựa nào thay vào đó các bạn có thể sử dụng hộp cơm cá nhân, bình nước cá nhân để đi quảng bá. Các thành viên trong CLB sẽ đi đến các quán nước sử dụng dịch vụ ở đó sau đó sẽ từ chối sử dụng cốc nhựa một lần và quảng bá luôn chiến dịch của câu lạc bộ.

Từ ngày được các thành viên CLB phát động chiến dịch “tháng không dùng đồ nhựa”, công ty TNHH Đức Phát đưa ra quy định mọi người khi gọi đồ ăn uống bên ngoài phải sử dụng đồ cá nhân, bất cứ loại nhựa nào nếu xuất hiện trong công ty thì chủ nhân sẽ bị phạt tiền. Anh Nguyễn Hoàng Chiến - nhân viên công ty cho biết, trước đây mọi người trong công ty có thói quen gọi đồ ăn trưa cũng như đồ ăn vặt buồi chiều. Sau mỗi lần đó mình nhận ra lượng cốc nhựa thải ra rất nhiều, ảnh hưởng tới môi trường. Mình quyết định cùng mọi người thực hiện chiến dịch tháng không dùng đồ nhựa. Các bạn có nhu cầu gọi đồ ăn về sẽ sử dụng đồ dùng cá nhân, cốc thủy tinh thay cho những đồ dùng một lần.

Từ khi quy định được đưa ra đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. Không ít bạn trẻ đã dần tập cho mình thói quen hạn chế tối đa sử dụng đồ nhựa thông qua những việc làm hằng ngày. Mình sẽ cố gắng thay đổi, lúc đầu cũng tốn nhiều chi phí và chưa quen nên cũng hơi bất tiện, nhưng lâu rồi mình cũng thấy quen và thấy khá tốt, Nguyễn Minh Hương cho biết.

Qua chiến dịch, thông điệp mà các thành viên trong CLB đưa ra đó là “Giảm rác nhựa là việc cần làm ngay của mỗi người vì sức khỏe của bản thân, của những người thân yêu và vì môi trường trong sạch" qua đó nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, thúc đẩy thói quen tiêu dùng bền vững theo nguyên tắc 4T: Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế. Lê Kim Ngân – thành viên CLB chia sẻ “Chúng tôi mong muốn cho người thân và bạn bè xung quanh thấy việc thay đổi thói quen, giảm bớt sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhựa dùng một lần không quá khó khăn, mọi người đều có thể thử thách bản thân trong một tháng để cảm nhận sự khác biệt và khi nhiều lần thử thách bản thân trong một tháng như vậy thói quen sẽ được hình thành và không còn cảm thấy bất tiện khi không sử dụng đồ nhựa dùng một lần nữa”.

Thông qua chiến dịch “tháng không dùng đồ nhựa”, CLB tình nguyện vì môi trường mong muốn giúp người tiêu dùng, đặc biệt là các bạn trẻ, hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ô nhiễm rác nhựa, từ đó thay đổi thói quen trong sinh hoạt để trở thành người tiêu dùng văn minh, có trách nhiệm với tương lai./.

Mời nghe phóng sự tại đây: