Hàng loạt tuyến đường quanh khu vực trung tâm Hà Nội chật kín người đi đường. Một số đường xung quanh Hồ Gươm, khu phố cổ như: Hàng Lược, Hàng Cân, Hàng Mã, Đinh Tiên Hoàng ùn ứ, ken đặc người. Có mặt trong “cuộc vui”, anh Trần Trung Hiếu ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội tỏ ra vô cùng thích thú vì sau hai tháng giãn cách ở nhà bí bách, ngày Hà Nội nới lỏng giãn cách lại đúng vào đêm Trung thu nên anh cho các con ra đường tận hưởng không khí ngoài trời thoáng đãng.

Chị Hương Giang ở phường Nguyễn Du, Hà Nội cũng hào hứng cùng ra đường vui đùa, trò chuyện với các bạn để chào đón Trung thu, bù đắp cho những ngày buồn bã vì phải ở nhà chống dịch. Đã tiêm một mũi vaccine nên chị Giang rất yên tâm gặp gỡ bạn bè.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng đây là những hình ảnh rất buồn, đi ngược lại hoàn toàn với chủ trương không tụ tập đông người ở nơi công cộng mà Hà Nội đang thực hiện. Ông Phu đánh giá: Những ngày qua, Hà Nội đã thành công khi khống chế, không để dịch bùng phát, các chùm ca bệnh cũng đã được khoanh vùng trong diện hẹp. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình dịch như hiện nay, rất khó để tìm được hết 100% F0 ở cộng đồng hay đưa số ca mắc mỗi ngày về con số 0 được (zero COVID). Ổ dịch ở phường Việt Hưng quận Long Biên hay ở Hà Đông mới đây nhất là một ví dụ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng – Đại biểu Quốc hội khóa 14 cũng bày tỏ: Chỉ thị 22 của chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nêu rõ: Toàn thành phố thực hiện theo Chỉ thị 15 và cao hơn Chỉ thị 15, khuyến cáo ai không có việc gì thì nên ở nhà, không nên ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết. Thế nhưng người dân đã không thực hiện theo khuyến cáo. Ông Nhưỡng cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng này, một phần là do lỗi của chính quyền địa phương khi chưa lường hết được thực tế và chưa có biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền vận động nâng cao ý thức của người dân.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: Trong biển người đi chơi trung thu, chỉ cần có 1 ca F0 sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, ngành Y tế Hà Nội phải giám sát xem, từ giờ đến đầu tháng 10 dịch có bùng phát hay không, nếu dịch bùng lên thì sẽ phải trả giá đắt.

Đã có bài học của một số quốc gia cho thấy, việc bỏ phong tỏa, giãn cách đã khiến các ca nhiễm tăng cao, nhiều quốc gia đã phải siết chặt, phong tỏa trở lại. Chính vì vậy, ông Nguyễn Huy Nga khuyến cáo: Khi ra đường, mọi người dân phải thực hiện đúng 5K. Những người ra đường đêm Trung thu, ai có triệu chứng ho sốt, mệt mỏi thì phải đi xét nghiệm ngay hoặc tự mua test xét nghiệm. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Hà Nội cũng phải có quản lý chặt chẽ việc thực hiện phòng chống dịch trong tình hình hiện nay./.