Từ cuối năm 2002 đến hết tháng 6, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. GDP 6 tháng năm 2023 chỉ tăng 3,72%. Theo dự kiến, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sự dịch chuyển chuỗi giá trị…

Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn nên chịu rác động mạnh từ bên ngoài... Do đó, doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ giảm sức cạnh tranh và mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, chưa khi nào cộng đồng doanh nghiệp phải gồng mình đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi ngay lập tức vướng phải những quy định về luật phòng cháy chữa cháy, tình trạng mất điện đột ngột và liên tục.

Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế chính trị thế giới có diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào khan hiếm, đơn hàng giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy giảm. Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp phải đối mặt với những bất cập như xu hướng cải cách hành chính có phần bị chững lại; gần đây xuất hiện tình trạng một số bộ phận công chức nhà nước có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công viêc… đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn.

Ông Đoan khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp Thanh Hóa nói riêng mong muốn các Bộ ngành Trung ương và địa phương tiếp tục song hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi nhanh nhất. Cộng đồng doanh nghiệpvcam kết sẽ nỗ lực hết mình, thượng tôn pháp luật, cùng đồng hành với cả hệ thống chính trị, đoàn kết, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp vào sự phát triển của đất nước.

Còn theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong những năm qua, mặc dù ngành công nghiệp gỗ đã từng đặt ra mục tiêu đến 2025 đạt 20 tỷ USD và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn sau Trung Quốc, tuy nhiên, những năm gần đây, hiệp hội đã và đang gặp không ít khó khăn, khi sản lượng xuất khẩu thực tế của năm 2023 giảm đáng kể so với các năm trước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các khó khăn hiện nay của ngành gỗ nhưng một trong số đó xuất phát từ việc thị trường Mỹ (chiếm 55% tổng xuất khẩu) áp dụng rất nhiều phương pháp bảo hộ thương mại, khởi xướng nhiều cuộc điều tra gỗ dán và tủ bếp, nên dẫn đến hiện trạng xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, yêu cầu về nguyên liệu ngày một cao đang đặt ra rất nhiều rào cản về môi trường. Từ những khó khăn, vướng mắc đã nêu, các doanh nghiệp trong Hiệp hội mong muốn công tác cải cách thể chế sẽ được chú trọng hơn nữa. Ông Hoài đề xuất, trong bối cảnh hiện nay, không thực hiện các quy định mới về phòng cháy chữa cháy… bởi doanh nghiệp gỗ sẽ không xuất khẩu được nếu không đáp ứng được yêu cầu này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng mong muốn, nguồn vốn vay ngoại tệ có thể giảm xuống 3,8% để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tăng tính cạnh tranh. Đặc biệt, cần sớm tiến hành việc hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp ngành gỗ khi số tiền cần hoàn là rất lớn, đồng thời đưa các doanh nghiệp ngành gỗ ra khỏi luồng doanh nghiệp rủi ro cao trong hoàn thuế, bởi nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp để đáp ứng theo các yêu cầu của cơ quan thuế là không thể...

Doanh nghiệp khó khăn cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng. Tốc độ huy động vốn của ngân hàng trong những tháng đầu năm 2023 tăng 4%; tăng trưởng tín dụng chỉ hơn 4,7%, thấp nhất trong 13 năm qua. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, do tác động của dịch bệnh COVID - 19 và suy thoái kinh tế, đến nay nguồn lực của doanh nghiệp cạn kiệt. Tình trạng thiếu đơn hàng đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Trong khi đó, lãi suất liên tục yêu cầu giảm. Những tháng đầu năm FED liên tục tăng lãi suất nhưng Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất. Vừa rồi, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng như tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền. Ngân hàng không có đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có một số kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách. Theo ông Hùng, Hiệp hội đã tổng hợp kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước xem xét, rà soát lại xem nội dung nào cần thiết thì có thể bổ sung và kéo dài. Những kiến nghị đưa ra rất mạnh nhưng phải phù hợp với thực tiễn điều kiện, hoàn cảnh của từng tổ chức tín dụng và hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, muốn tháo gỡ khó khăn phải nhìn từ thực trạng của doanh nghiệp.

Còn ông Lê Hùng Cường, Phó Tổng giám đốc FPT Digital cho biết, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số với các mức độ khác nhau. Chuyển đổi số là để nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Do đó, khi các doanh nghiệp gặp các vấn đề về chuyển đổi số, cần xác định các vấn đề cấp bách cần giải quyết trước tiên và sau đó là xây dựng chiến lược dài hạn cho chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, ông Lê Hùng Cường, Phó Tổng giám đốc FPT Digital cũng mong đợi Chính phủ ban hành khung chuyển đổi số, hướng dẫn về chuyển đổi số để các doanh nghiệp có thể hiểu và tham gia trực tiếp vào các chương trình chuyển đổi số một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các nguồn lực tài trợ để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận chuyển đổi số một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, xuất phát từ những khó khăn từ thực tiễn, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là cho các doanh nghiệp với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa công ăn việc làm và các yếu tố khác. Thời gian vừa qua nhiều chính sách về tài khóa và tín dụng đã được ban hành. Có thể thấy, Chính phủ đã đặt việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn lên trọng tâm hàng đầu, các chính sách ban hành ra thông thoáng, rõ ràng… Tuy nhiên, theo ông Long, để thực hiện được việc này phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. trong quá trình vận hành cơ chế chính sách, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có các kiến nghị trực tiếp về các vấn đề cần tháo gỡ trong thực tế.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê về những yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến chế tạo trong quý 2 năm 2023, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh.

Trong bối cảnh trên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần thiết thực hiện cải cách thể chế. Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, bối cảnh quốc tế và khu vực thay đổi, yêu cầu đặt ra ngày càng cao là tất yếu. Thực hiện cải cách thể chế vì thế ngày càng cần thiết và quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 644 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, có 3 điểm được nhấn mạnh là không chỉ cải cách thủ tục mà cắt giảm 20% chi phí tuân thủ; tiến hành rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính là rào cản; đồng thời xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân và doanh nghiệp.

Còn tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã cho thấy những khó khăn rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua. Các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đều chung nhận định về tình trạng suy giảm đáng kể của tổng cầu. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế… đều cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 ở mức thấp, phổ biến ở mức 2-3%. Theo đó, triển vọng phục hồi nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Từ thực tế này, để giải quyết những vướng mắc, bất cập mà chính sách đem lại, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, các Hiệp hội doanh nghiệp, VCCI cần tham gia sâu hơn nữa trong việc xây dựng chính sách, cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật,… nếu xử lý được câu chuyện vướng mắc, bất cập của chính sách hiện nay, sẽ là hành lang pháp lý ổn định để doanh nghiệp, nền kinh tế phát triển./.