Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đa dạng sinh học cao trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng khai thác, tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã bất hợp pháp đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, gây ra mối đe dọa lớn đối với môi trường, sức khỏe con người. Ðáng lo ngại, một số loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như: tê tê, gấu…lại trở thành hàng hóa được tiêu thụ trong nước, cũng như được vận chuyển xuyên biên giới sang một số nước trong khu vực. Hành vi săn bắt, khai thác và buôn bán động vật hoang dã hiện đang là một thách thức mang tính toàn cầu chứ không chỉ của riêng bất cứ quốc gia nào.

Trao đổi với phóng viên VOV2, bà Nguyễn Thị Phương Dương – Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết: năm ngoái đã có hơn 3.000 vụ việc vi phạm có liên quan đến động vật hoang dã bị phát hiện. Còn riêng 3 tháng vừa rồi khi Trung tâm Giáo dục thiên nhiên thực hiện chiến dịch tìm kiếm những vi phạm về ngà voi trên mạng internet thì chỉ 2 ngày đã tìm ra hơn 160 đường dẫn vi phạm mua bán ngà voi. Những con số này cũng chưa phán ánh hết tình trạng buôn bán động vật hoang dã ở nước ta vì trên thực tế số vụ vi phạm có thể còn lớn hơn rất nhiều.

Chưa bao giờ việc mua bán các sản phẩm từ động vật hoang dã lại dễ như lúc này. Chỉ cần một cú điện thoại, thì sừng từ Châu Phi cũng được người bán ship tận nơi. Điều đáng nói là không chỉ quảng cáo buôn bán ngà voi, sừng tê giác mà nhiều cơ sở còn sẵn sàng rao bán cả những cá thể sống.

Theo các chuyên gia từ trước đến nay có rất nhiều đại dịch đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã như: dịch tả lợn châu Phi khiến 5 triệu con lợn bị tiêu hủy; rồi đại dịch Covid 19 có nguồn gốc từ rơi khiến nhiều nước lâm vào tình trạng khủng hoảng…Có rất nhiều bài học từ quá khứ đến hiện tại nhưng dường như con người vẫn chưa thức tỉnh. Bà Dung cho rằng nếu chúng ta không thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên thì rất có thể những đại dịch tiếp theo vẫn có thể xảy ra.

Con người chính là kẻ thù lớn nhất đối với sự tồn vong của các loại động vật hoang dã. Trước kia, ông cha ta cũng đã từng săn bắt, sử dụng động vật hoang dã nhưng là để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và ở mức bền vững. Còn ngày nay, động vật hoang dã đã trở thành hàng hóa, việc săn bắt, khai thác đã trở nên tận diệt khiến nhiều loại động vật đang có nguy cơ bị tiệt chủng.

Khi con người có nhu cầu và niềm tin vô căn cứ vào giá trị của động vật hoang dã thì việc buôn bán, săn bắt, sử dụng phép sẽ vẫn còn xảy ra. Vì thế, mỗi người cần nâng cao ý thức, nói không với thịt thú rừng trước nguy cơ dịch bệnh. Ðã đến lúc chúng ta cần bỏ thói quen sử dụng sản phẩm từ những loài hoang dã, để sống có trách nhiệm, hài hòa hơn với thiên nhiên, để góp phần đem lại "Sự sống bền vững cho muôn loài trên trái đất". Bên cạnh đó cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm minh những kẻ cầm đầu thì mới có thể cắt đứt được những mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán đó./.

Nghe chương trình Diễn đàn VOV2 bàn về chủ đề này tại đây.