Kể từ khi Sao la xuất hiện lần đầu tại vườn Quốc gia Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh, cho đến nay, chưa có nhà khoa học nào có cơ hội quan sát thấy Sao la trong môi trường hoang dã. Các bức hình về Sao la đều thông qua máy bẫy ảnh, vì vậy, các nhà nghiên cứu không biết nhiều về tập tính của loài động vật được mệnh danh là “Kì lân Châu Á” này.

Theo kết quả nghiên cứu ADN từ năm 1999, các nhà khoa học cho biết sao la thuộc phân họ trâu bò, sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Lào. Điều này khẳng định Sao la là biểu tượng của đa dạng sinh học không những của Việt Nam mà còn cho cả khu vực châu Á. TS Văn Ngọc Thịnh- Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam- WWF khẳng định, Sao la là loài mang giá trị đa dạng sinh học và môi trường, vì vậy sự hiện diện của Sao la tại cánh rừng thể hiện sự khỏe mạnh của cánh rừng cũng như môi trường sống và những loài cùng sống trên đó. Nếu chúng ta bảo vệ được Sao la là chúng ta bảo vệ được hệ sinh thái.

Sao la trưởng thành có chiều dài gần 1,5 m, cao gần 1m và nặng khoảng 100 kg, bộ lông màu nâu sẫm, sừng dài hướng về phía sau hơn 50 cm để tự vệ. Giới khoa học đánh giá, Sao la với bộ sừng dài quý giá nên thường là mục tiêu săn bắn của lâm tặc, do đó Sao la không thể sống ở những khu rừng bị xâm hại. Ở nước ta, quá trình phát triển kinh tế, chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp không chú trọng bảo tồn, bảo vệ rừng đã thúc đẩy nạn phá rừng, thu hẹp đáng kể những “lá phổi xanh” của trái đất. Và từ đó, Sao la cũng mất dần sinh cảnh- ngôi nhà tự nhiên, hoang dã của chúng.

Theo thống kê, mỗi năm có hơn 12 nghìn bẫy dây giăng trái phép trên khắp các khu bảo tồn của Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây chính là một hiểm họa mà Sao la cũng như các loài thú khác đang phải đối mặt. Để sao la tiếp tục tồn tại trong tự nhiên, chúng ta cần bảo tồn nguyên vẹn những cánh rừng nguyên sinh đồng thời ngăn chặn nạn săn trộm động vật hoang dã. Khi chúng ta giữ cho “ngôi nhà” của những chú “Kì lân châu Á” an toàn và nguyên vẹn thì chúng sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Một chiến dịch cộng đồng do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam - WWF thực hiện nhằm giúp nâng cao nhận thức và sự tham gia của toàn xã hội trong việc bảo tồn Sao la đã được phát động. Thông qua chiến dịch này, Tổ chức này muốn người dân Việt Nam cảm thấy tự hào về loài động vật vốn chỉ có thể tìm thấy tại nước ta và Lào. Hơn nữa Tổ chức WWF Việt Nam cũng muốn công chúng hiểu được tính cấp thiết của việc chung tay cứu Sao la khỏi nguy cơ tuyệt chủng, vì có lẽ chỉ còn ít hơn 50 cá thể sao la tại các khu rừng Trường Sơn - Bà Carolina Soto-Navarro - Chuyên gia kỹ thuật của chương trình bảo tồn Động vật Hoang dã thuộc WWF-Việt Nam cho biết.

Chiến dịch "Giữ lại dấu chân Sao la" được chia thành 2 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 7 năm nay đã mang tới công chúng nhiều thông tin thú vị về Sao la, giải mã những hiểu lầm thường gặp về chúng. Tiếp đó, thông qua nhiều hoạt động tương tác trực tuyến, công chúng sẽ hiểu hơn về mối liên kết giữa hành vi tiêu dùng hàng ngày của mình ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp thế nào tới Sao la, tới các loài động vật hoang dã và thiên nhiên.

Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên chiến dịch "Giữ lại dấu chân Sao la" chủ yếu thực hiện trên mạng xã hội Facebook và trang web của WWF-Việt Nam. Để truyền thông mạnh mẽ hơn về chiến dịch “Giữ lại dấu chân sao la” Tổ chức WWF Việt Nam cùng Google Việt Nam đã cho ra mắt mô hình thực tế tăng cường 3D của Sao la trên Google Tìm kiếm để người dùng trên khắp thế giới có thể ngắm nhìn cận cảnh và chi tiết Sao la. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi rất khó có thể nhìn chúng trong tự nhiên. Đây cũng là động vật hoang dã quý hiếm đầu tiên của Việt Nam được Google số hoá dưới hình thức 3D.

Có thể nói, hành trình “Giữ lại dấu chân sao la” không có sự kết thúc bởi đó là sự tiếp nối những nỗ lực bảo tồn không ngừng hướng tới việc con người chung sống hài hòa với thiên nhiên.

Mời quý vị và các bạn nghe bài viết dưới đây: