Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã làm đứt gãy nghiêm trọng thị trường lao động của nước ta, khiến tỷ lệ người có việc làm giảm sâu, số người thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên với giải pháp thích ứng linh hoạt của Chính phủ, nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhờ đó thị trường lao động cũng hoạt động nhộn nhịp trở lại, hứa hẹn nhiều tín hiệu phục hồi lạc quan, phát triển và chuyển biến tích cực trong năm 2022.

Thị trường lao động cơ bản đã phục hồi….

Theo như dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến khoảng cuối quý I, đầu quý II thị trường lao động mới cơ bản phục hồi. Tuy nhiên ngay trong 2 tháng cuối năm ngoái, đặc biệt là thời điểm cận Tết nguyên đán, thị trường lao động đã có nhiều tín hiệu hoạt động nhộn nhịp trở lại. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung cho biết đã có tới 95% lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm lao động hoạt động trở lại.

Cũng theo nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thị trường lao động sau Tết Nguyên đán, thông thường hằng năm, thường thiếu hụt khoảng 20% lực lượng lao động nhưng năm nay nguy cơ thiếu hụt này sẽ duy trì thấp hơn.

“Bởi lẽ, những người lao động khi đã quay về quê một thời gian, khi quay trở lại nơi mình công tác thì thông thường Tết ít khi về nhà”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải.

Ngoài ra, một khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm cũng cho thấy, dự kiến trong năm 2022, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, thời điểm trước đây do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, thực hiện giãn cách xã hội khiến người lao động buộc phải ngừng việc, nghỉ việc thế nhưng hiện nay Chính phủ thực hiện quan điểm chống dịch theo hướng linh hoạt, thích ứng mở cửa nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp… do đó nhu cầu tăng lên, người lao động sẽ có nhiều cơ hội việc làm trở lại.

“Dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, nhưng càng khó khăn người lao động và người sử dụng lao động càng quyết tâm nỗ lực nhiều hơn bởi vậy mà cú “sốc” của đại dịch đến thị trường lao động cũng dễ dàng vượt qua”, TS Lan Hương khẳng định.

Cũng chung nhận định về những tín hiệu lạc quan của thị trường lao động trong thời gian tới, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng: Chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt đang giúp cho thị trường lao động có nhiều tín hiệu khởi sắc, hoạt động dần nhộn nhịp trở lại.

Theo ông Vũ Quang Thành, trong những tháng đầu của năm 2022, nhu cầu tuyển dụng đang tiếp tục tăng lên. Các vị trí có nhu cầu tuyển dụng rất lớn trong thời gian này, tập trung ở các lĩnh vực như may mặc, điện, điện tử, giao nhận hàng, thương mại dịch vụ, bán buôn bán lẻ...

Ngoài ra, nhiều vị trí việc làm trong lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ tăng tuyển dụng khác là tại các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, siêu thị… Riêng một số nhóm ngành về công nghệ thông tin hay ngân hàng vẫn tiếp tục có xu hướng tuyển dụng liên tục, thậm chí tăng lên.

Bước đột phá từ chương trình hỗ trợ và phát triển thị trường lao động theo QĐ 1405

Trong năm 2022, để từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định 1405 ban hành Chương trình hỗ trợ và phát triển thị trường lao động.

Chương trình này đưa ra sáu nhiệm vụ chính: Thứ nhất là, nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc.

Thứ hai, hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Thứ ba, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển lao động với bốn giải pháp chính là: Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động để kịp thời cung ứng cho doanh nghiệp, hoặc vùng kinh tế trọng điểm; Nâng cao chất lượng nguồn cung lao động; Chuyển đổi số và dạy học trực tiếp trong giáo dục nghề nghiệp; Đầu tư vào các trường chất lượng cao.

Thứ tư, hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung-cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ. Trong số này, nhiệm vụ kết nối cung-cầu lao động sẽ được thực hiện thông qua việc tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm; đa dạng hóa các hình thức, chuyên đề của các phiên; tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến trong vùng hoặc toàn quốc.

Thứ năm, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Trong đó, Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 là cơ sở để Bộ hoàn thiện các quy định về lao động, việc làm, tạo hành lang pháp lý cho thị trường phục hồi trong trạng thái bình thường mới.

Thứ sáu là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ lao động, hòa giải viên, trọng tài viên để giải quyết kịp thời tranh chấp lao động và đình công. Ngoài ra, quan hệ lao động trong doanh nghiệp cũng sẽ được chủ động nắm bắt.

Cùng với bước đột phá từ chương trình hỗ trợ và phát triển thị trường lao động, TS Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng cần thiết phải xây dựng chiến lược về lao động việc làm để giúp người lao động và cả các doanh nghiệp luôn vững vàng trước mọi biến cố có thể xảy ra.

Trình Chính phủ giải ngân 6.600 tỷ đồng

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tháng 2 này, Bộ sẽ trình Chính phủ, báo cáo Thường vụ Quốc hội thông qua việc tiến hành giải ngân 6.600 tỷ đồng hỗ trợ người lao động cũng như chính sách cho vay phục hồi sản xuất.

Với gói hỗ trợ này, người lao động đang ở thuê, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm sẽ được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà. Còn trường hợp để khuyến khích người lao động quay lại thị trường lao động thì cũng hỗ trợ 03 tháng nhưng mức cao gấp đôi so với mức mà người đang ở lại.

Giao cho Ngân hàng chính sách được sử dụng một khoản tiền tương đối lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất rất thấp để doanh nghiệp xây dựng nhà, xây dựng ký túc xá, xây dựng nhà cho công nhân và cho công nhân mua hoặc thuê. Tiếp đó sẽ lấy một khoản từ ngân sách Nhà nước cho công nhân vay với mức lãi suất rất thấp để mua nhà giá rẻ.

Ngoài ra, sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động đến hết ngày 31/3. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo miễn phí từ nguồn kinh phí 7.500 tỷ đồng đã được cung cấp.

Với sự hỗ trợ kịp thời như vậy cùng giải pháp thích ứng linh hoạt của Chính phủ, và những tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế, chúng ta sẽ có niềm tin và kỳ vọng về một thị trường lao động đầy hứa hẹn, nhanh chóng phục hồi, phát triển và chuyển biến tích cực trong năm 2022.

CÁC MỤC TIÊU CỤ THỂ VỀ LAO ĐỘNG- VIỆC LÀM NĂM 2022

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%.

Hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất, kinh doanh; đặc biệt hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc;

Kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phát triển thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người lao động để kết nối việc làm thành công, hỗ trợ tìm việc làm bền vững cho người lao động;

Thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ hoạt động kết nối cung-cầu lao động; tạo môi trường điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi thông tin về lao động, việc làm.