Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thị trường lao động Việt Nam trong 7 tháng năm 2022 vẫn bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng mức độ đã giảm nhiều và đang phục hồi nhanh. Chất lượng việc làm cải thiện, thu nhập tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm giảm.

Bình quân mỗi năm cả nước giải quyết việc làm cho từ 1,5-1,6 triệu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 51,4 triệu lao động, tăng 400 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và tăng mạnh ở khu vực thành thị, giảm ở khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân của người lao động là 6,5 triệu đồng/tháng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn. Việt Nam đang có hơn 600 nghìn lao động làm việc có thời hạn tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với thu nhập ổn định, gửi về nước khoảng 3,5 tỷ đôla Mỹ/năm.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, một địa phương có lực lượng lao động rất lớn, tới hơn 6 triệu người, tuy nhiên theo thông tin từ Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức sau đại dịch hiện đã có hơn 37.000 doanh nghiệp thành lập mới với 112.000 lao động.

Trong 7 tháng đầu năm năm 2022, thành phố đã giải quyết việc làm cho 189.751 lượt lao động, trong đó, số chỗ việc làm mới được tạo ra là 84.742 chỗ (so với cùng kỳ năm 2021, số lao động được giải quyết việc làm tăng 11,14%; số chỗ việc làm mới tăng 9,67%). Số người lao động thất nghiệp được trợ cấp thất nghiệp là 87.666 người.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, thành phố triển khai các chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố đang khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; dự kiến có 1.757.100 lượt người có tham gia bảo hiểm xã hội tại thành phố được hỗ trợ tiền thuê nhà với kinh phí dự kiến chi là 932,57 tỷ đồng.

Tác động của dịch bệnh khiến thị trường lao động vẫn đang chịu những ảnh hưởng nặng nề của tình trạng giảm việc làm, mất việc làm, dẫn đến giảm thu nhập, mất thu nhập tăng đáng kể, người lao động ở các tỉnh tạm thời quay về quê. Từ quý I năm 2022, người lao động bắt đầu quay trở lại thành phố tìm kiếm làm việc, bổ sung được phần nào nguồn lực lao động thiếu hụt cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhu cầu nhân lực trong những tháng cuối năm, TP.HCM cần khoảng 135.000 chỗ làm việc (trong đó nhu cầu nhân lực trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao khoảng 20.000 - 25.000 chỗ làm việc).

Đối với tỉnh Bắc Giang, năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Bắc Giang là một trong các địa phương đầu tiên của cả nước bị dịch Covid-19 tấn công nhanh, lây lan mạnh vào các khu công nghiệp. Tuy vậy, ngay sau khi dịch được khống chế, lao động tại các địa phương đã nhanh chóng trở lại làm việc; nhu cầu tuyển dụng gia tăng, số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp tăng hơn 40.000 người so với thời điểm trước dịch và hiện nay có trên 307.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp.

Để giúp khôi phục nhanh các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, qua đó khôi phục lại thị trường lao động, Bắc Giang đang triển khai các giải pháp như: Tổ chức kiểm tra, tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, ổn định sản xuất; tiếp nhận nhu cầu và hỗ trợ doanh nghiệp đưa lao động trở lại làm việc, hỗ trợ tuyển lao động mới cho doanh nghiệp; thẩm định, cấp phép nhà trọ, nơi lưu trú đủ điều kiện hoạt động trong điều kiện an toàn, phòng chống dịch để doanh nghiệp có cơ sở sắp xếp lại nơi ở an toàn cho lao động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của lao động để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc,...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động phục vụ phục hôì, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào nhiều giải pháp.

Trước hết tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp lụât về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp lụât trong các lĩnh vực trên, nhất là thực trạng sinh sống của người lao động quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung- cầu lao động trong toàn quốc, chia sẻ về dữ liệu lao động, dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội.