Trong mấy ngày gần đây đã xảy ra hai sự việc khiến dư luận không khỏi phẫn nộ và day dứt. Đó là hành vi của những kẻ có máu côn đồ hành hung một cô giáo tiểu học giữa trời mưa ở Nghệ An và vụ bác sỹ ở Thanh Ba, Phú Thọ bị người nhà đấm đạp ngay trong lúc đang ra sức cứu chữa cho con của họ khỏi cơn nguy kịch.

Theo nội dung clip được chia sẻ trên mạng xã hội, tại Trung tâm y tế huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, trong khi các y bác sỹ, nhân viên y tế đang tập trung cấp cứu cho một bệnh nhi nam 12 tuổi bị sốc phản vệ do kháng sinh, thì người nhà đứng xung quanh liên tục gào thét, chửi mắng, miệt thị, cản trở, thậm chí đấm, đạp vào bụng một điều dưỡng. Mặc dù bị tấn công, các nhân viên y tế vẫn tập trung cho việc cứu sống đứa trẻ. Ngay cả điều dưỡng bị đánh cũng chỉ khựng lại trong khoảnh khắc rồi nhịn đau tiếp tục công việc, không lãng phí một giây, khi ai cũng hiểu việc cứu người là trên hết.

Sau khi xem clip, nhiều người đã vô cùng phẫn nộ với cách hành xử côn đồ của nhóm người nhà bệnh nhân. Dù lo lắng cho người nhà, cảm xúc lấn át lý trí nhưng không được phép hành động như vậy. Đó là việc không thể chấp nhận được. Thực tế đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ việc như thế này. Nhiều người lo lắng về thói côn đồ, nạn hành hung bác sỹ rất phổ biến trong những năm qua.

Trường học cũng không phải là ngoại lệ khi gần đây có nhiều vụ việc hành hung giáo viên ngay trong sân trường và tệ hại hơn nữa là diễn ra ngay trước mắt các em học sinh.

Gần đây nhất là sự việc xảy ra vào chiều ngày 28/4 tại điểm trường bản Bắc Thắng, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Một người đàn ông không chỉ đánh vào mặt mà còn đấm vào đầu, túm tóc và kéo một nữ giáo viên ra giữa trời mưa, bất chấp những lời can ngăn của người xung quanh. Sự việc gây chấn động không chỉ bởi mức độ bạo lực, mà còn vì nó diễn ra ngay tại môi trường học đường, nơi lẽ ra phải là không gian an toàn, văn minh và tôn trọng lẫn nhau.

Chia sẻ cùng VOV2, Nhà xã hội học PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam bày tỏ, là một nhà nghiên cứu xã hội học, khi nghe thông tin về 2 vụ việc này ông thấy đau xót, phẫn nộ nhưng lại không quá ngạc nhiên, bởi đây không còn là những vụ việc đơn lẻ mà trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Ông cũng nhắc một vụ việc bạo hành cô giáo ở Long An mà sau đó có một giáo viên khác đã đăng trên mạng xã hội, trải lòng mình với tựa đề một bài thơ mang tên “Nghề của chúng tôi bằng một quả đấm không?”. Theo ông, đó là tựa đề một bài thơ, nhưng là một câu hỏi day dứt, chất chứa...

Sự đúng, sai của những người liên quan rồi sẽ được pháp luật phân xử, nhưng 2 vụ việc xảy ra gần đây khiến dư luận hết sức bức xúc. Nhìn ở góc độ xã hội, việc phụ huynh hành hung giáo viên ngay tại trường học của con em mình, lại trước sự chứng kiến của nhiều học sinh; hay người nhà bệnh nhân ra tay đánh, đạp người đang cứu con mình… chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy tiêu cực về nhiều mặt.

Nỗi đau không chỉ là những vết bầm trên người cô giáo, trên người các thầy thuốc mà là sự đau xót của cả xã hội về lòng dạ và cách hành xử của con người trong một xã hội văn minh. Nó cũng gióng lên hồi chuông về thói côn đồ đang lộng hành, xâm phạm sự tôn nghiêm đối với những người Thầy: Thầy giáo và Thầy thuốc.

Theo nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình có rất nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, dẫn đến khinh nhờn pháp luật. Ngoài ra, những ảnh hưởng từ mạng xã hội, từ việc lệch chuẩn của một số đơn vị truyền thông, đặc biệt là việc xây dựng hệ giá trị con người chưa được quan tâm đúng mức, khiến cho thói côn đồ len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội.

Để hạn chế thói côn đồ, đã đến lúc chúng ta cần phải có những biện pháp mạnh mẽ và cứng rắn hơn. Cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý với những chế tài đủ sức răn đe, tăng cường kiểm soát an ninh trật tự ở trường học cũng như ở bệnh viện, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tương tác, đối thoại cởi mở, thông tin minh bạch giữa gia đình và nhà trường, giữa giáo viên và phụ huynh học sinh cũng như giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế. Và, một giải pháp hữu hiệu nữa là sự chung tay của cộng đồng.

“Tôi nghĩ rằng xử lý theo pháp luật, tất nhiên là điều cần thiết rồi. Nhưng chưa thể đủ được mà nó cần đòi hỏi tác động của chính cộng đồng, của chính xã hội nữa. Cần lên án mạnh mẽ, tỏ rõ thái độ bài xích với hành vi côn đồ, có như vậy mới khích lệ, bảo vệ những thầy cô giáo, những y, bác sỹ để họ có thể tận tâm với công việc cao cả của mình” - Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Hơn lúc nào hết, chúng ta mong mỏi vị thế của những người Thầy cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm cần phải được giữ gìn. Một xã hội tốt đẹp luôn hàm chứa sự tri ân, hiếu lễ. Điều đó không chỉ trông đợi vào chính sách, luật pháp của Nhà nước mà còn là tình thương và trách nhiệm của mỗi thành viên trong cộng đồng. Mỗi người bằng thái độ, hành vi đúng đắn của mình có thể đóng góp cho sự tôn nghiêm ấy.