Vấn đề dạy thêm, học thêm tiếp tục là nội dung nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu. Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nhấn mạnh: Việc tổ chức hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa cần được phân biệt rõ ràng với hoạt động chính khóa để tăng tính minh bạch, đảm bảo quản lý chặt chẽ và giữ đúng đạo đức nghề nghiệp. Bà cho rằng, nếu quy định nội dung này trong Điều 7 của dự thảo luật có thể tạo ra xung đột với Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện hành. Đồng thời, dạy thêm không mang tính bắt buộc và phổ quát, do đó không nên xem là phần cốt lõi trong định hướng nghề nghiệp nhà giáo.

Tuy nhiên, để không bỏ ngỏ thực tế này, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về các hình thức dạy học hợp pháp ngoài chương trình, như bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu… với điều kiện “không vụ lợi” và tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, cần tiếp cận khách quan hơn khi đề cập tới dạy thêm. Theo bà, đây không đơn thuần là hệ quả của việc giáo viên ép buộc học sinh, mà phản ánh nhu cầu thực tế của xã hội, phụ huynh và học sinh. “Nhiều học sinh tự nguyện học thêm tại các trung tâm tiếng Anh, nghệ thuật, văn hóa… Đó là nguyện vọng chính đáng,” - bà Thu nêu.

Từ đó, đại biểu đề xuất cần thiết luật hóa dạy thêm một cách chính thống, coi đó như một loại hình dịch vụ có quy định, điều kiện hoạt động rõ ràng, thay vì cấm đoán hoặc để tự phát. Bà cũng kiến nghị sửa đổi quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 11 của dự thảo luật: thay vì cấm “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”, cần sửa thành “cấm dạy - học thêm trái quy định của pháp luật” để phù hợp với thực tiễn và tránh hiểu lầm rằng mọi hình thức học thêm đều bị cấm.

Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) lại đặt vấn đề từ góc nhìn chương trình học hiện hành. Ông cho rằng, nếu nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy tại lớp đủ hiệu quả để học sinh hiểu bài, thì nhu cầu học thêm sẽ giảm đi đáng kể. Do đó, ông đề nghị cần rà soát lại toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông để điều chỉnh lượng kiến thức và phương pháp truyền đạt cho hợp lý hơn.

Không chỉ dừng lại ở những quy định kỹ thuật, đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) nhấn mạnh ý nghĩa sâu xa và nhân văn của việc ban hành Luật Nhà giáo. Theo ông, giáo viên là tầng lớp “định chuẩn giá trị cho phần còn lại của xã hội”, giữ vai trò then chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai đất nước.

“Chúng ta không nên nói đến ‘ưu đãi’, mà cần ‘đãi ngộ xứng tầm’. Giáo viên không cần được thương hại hay ban ơn, họ chỉ cần được tôn trọng đúng với vai trò đặc biệt của mình,” ông phát biểu. Đồng thời, ông cũng chỉ ra thực trạng đáng lo ngại: nhiều giáo viên hiện nay buộc phải làm thêm các công việc trái chuyên môn vì thu nhập chính từ nghề không đủ trang trải cuộc sống.

Đại biểu đặt câu hỏi day dứt: “Liệu học sinh còn ngước nhìn thầy cô với ánh mắt kính trọng, khi thầy cô phải vất vả kiếm sống ngoài nghề dạy học?”

Các đại biểu đều cho rằng Luật Nhà giáo không chỉ là công cụ pháp lý điều chỉnh hoạt động nghề nghiệp, mà còn là biểu tượng cho sự ghi nhận và trân trọng của xã hội đối với đội ngũ thầy cô giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Quốc hội xem xét, bao gồm các quy định cụ thể về hoạt động nghề nghiệp của giáo viên (Điều 7), những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 11), trong đó có việc ép buộc học sinh tham gia học thêm dưới mọi hình thức và lợi dụng chức danh nhà giáo để trục lợi. Tuy vậy, qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung rõ hơn các quy định điều tiết việc dạy thêm, học thêm đúng pháp luật và phù hợp thực tiễn.

Việc tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, đồng thời song hành với cải cách chương trình, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cải thiện chế độ đãi ngộ, sẽ là điều kiện tiên quyết để "trao lại cho nhà giáo vị thế đúng tầm", như nhiều đại biểu Quốc hội đã kỳ vọng.