Vào dịp tết đến xuân về, ai ai cũng háo hức mong muốn một cái tết sung túc, vui vầy. Cũng chính vì đó, cái tết luôn được người người, nhà nhà chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, nhà ai cũng phải mua sắm, trang trí để nhà cửa, xóm làng thật đẹp, thật tươi vui, nó tạo ra một niềm hứng khởi với ước vọng một năm mới thuận lợi, hanh thông.
Đặc biệt đây cũng là dịp mỗi người, mỗi nhà, hướng về tổ tiên, nguồn cội, là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt bao đời nay. Việc thờ cúng tổ tiên như là “sợi dây” gắn kết để nhắc nhớ con cháu luôn nhớ và biết ơn những người đã khuất.
Không những thế, với người Việt, mùa xuân là mùa của lễ hội, theo truyền thống, cứ vào thời điểm đầu năm, tết đến, xuân về các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo lại diễn ra sôi động trên khắp các vùng, miền trong cả nước
Theo nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vĩ, nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân là chính đáng. Việc đến với các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng như, lễ hội đình, đền, chùa đầu năm giúp cho mỗi người có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, giúp an tâm hơn để đương đầu với những khó khăn có thể xuất hiện trong cuộc sống, từ đó tạo động lực tinh thần cho mỗi người. Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được thỏa mãn những nhu cầu tinh thần chính đáng này.
Về cơ bản, một xã hội sẽ trở nên nhân văn khi mọi người dân hướng thiện. Ý nghĩa của việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của người dân là ở chỗ đó. Đảng và Nhà nước cũng chủ trương ủng hộ tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân một phần bởi những ý nghĩa tốt đẹp mà việc đi lễ của người dân đem lại đối với xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những chiều hướng, biểu hiện tích cực, phản ánh những giá trị văn hóa truyền thống, những giá trị đạo đức, góp phần xây dựng đời sống xã hội thì đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng mê tín dị đoan, tệ nạn "buôn thần bán thánh" nở rộ, những lệch chuẩn trong niềm tin, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra không chỉ trong người dân mà ngay cả ở một số cơ sở tôn giáo. Vì lợi ích mà nhiều người đã lợi dụng thánh thần để trục lợi. Những câu chuyện bói toán, những lễ hầu đồng tốn đến cả trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ bạc, rồi cúng bái, dâng sao giải hạn...
“Với quan niệm "phú quý sinh lễ nghĩa", không chỉ dừng lại ở việc đốt tiền vàng, nhiều người còn "sính" các sản phẩm hàng mã hạng sang như nhà biệt phủ, xe sang... để "tặng" tổ tiên, những người đã khuất”, ông Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn, để các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra văn minh, không mê tín dị đoan và hướng đến một mùa lễ hội an toàn, đúng thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, các cấp chính quyền cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có những biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa các biểu hiện lệch lạc, các hành vi trục lợi. Cần phải có những biện pháp xử lý thật mạnh mẽ tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng vi phạm pháp luật. Các cấp chính quyền cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng, thực hành đúng giáo lý, giáo luật, tuân thủ truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục.
“Chúng ta cần phải giúp cho mọi người hiểu rằng, đến với tôn giáo, tín ngưỡng là để tìm sự bình an, thanh thản của tâm hồn, hướng thiện, làm lành, lánh dữ chứ không phải cầu xin danh lợi, tiền tài”, ông Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc quản lý và tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, tiết kiệm phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống và văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Không để diễn ra việc lợi dụng lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, tuyên truyền, thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội và an ninh, trật tự.
Có biện pháp xử lý những hoạt động tín ngưỡng biến tướng, lệch chuẩn, trục lợi, mê tín dị đoan ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của Nhân dân và du khách, nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.
Tổ chức lễ hội phải đúng quy định của pháp luật, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước.
Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, thờ tự.
Hy vọng với Công điện này của Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa các nghi thức nghi lễ và lễ hội xuân trở về với ý nghĩa đích thực theo đúng chính pháp, đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để cho chúng ta thêm niềm hy vọng về một mùa xuân mới đầy tươi sáng.