Thấu hiểu thiệt thòi của người khuyết tật, anh Đỗ Văn Hiểu, ở Hà Nội đã dành một ngăn nhỏ trong trái tim mình để yêu thương, chia sẻ. Tuy nhiên, thay vì cho “con cá”, anh chọn cách giúp “cần câu” để họ có thể sống bằng chính sức lao động của mình với mô hình Giặt là chia sẻ.

Nơi đong đầy yêu thương

“Nhà em gần khu công nghiệp Đồng Văn. Em đi xin việc ở cả chục công ty, xin làm bảo vệ thôi nhưng họ cũng không nhận”, anh Nguyễn Trung Đông, quê ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Nam chua chát khi nhớ lại những lần đi xin việc bị từ chối. Theo anh, lý do là vì khiếm khuyết bẩm sinh ở đôi tay của anh mất khả năng cầm, nắm. Không việc làm, không thu nhập nên cuộc sống rất chật vật. Hơn thế, anh còn bị cảm giác là người thừa của xã hội. Nhưng may mắn, vào thời điểm bế tắc ấy, anh đã được anh Đỗ Văn Hiểu - chủ tiệm Giặt là chia sẻ tạo cơ hội việc làm. Từ đây, một cuộc sống mới đã mở ra với anh Đông. “Nếu không tìm gặp và được anh Hiểu tiếp nhận vào làm có thể giờ em vẫn đang thất nghiệp. Em chỉ ở nhà phụ mẹ trông trẻ. Mình là thanh niên, việc đấy không phù hợp nên chán. Bây giờ làm giặt là thấy hợp, lại có thu nhập nên vui và tự tin hơn”, anh Đông tâm sự.

Từ khi vào làm tại tiệm Giặt là chia sẻ, anh Trần Văn Luân, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có nhiều thay đổi về đời sống vật chất và tinh thần. Anh Luân cho biết, dù đôi tay lành lặn nhưng bị tật ở hai chân, đi lại khó khăn nên không thể xin được việc làm. Để mưu sinh, anh từng ở nhà chăn nuôi gà, song vì thiếu kiến thức và hạn chế trong việc di chuyển nên đã thất bại. Tiếp đó, anh chuyển sang học nghề làm vàng mã. Công việc phù hợp nhưng không đều, thu nhập không ổn định. Cuộc sống cứ bấp bênh như vậy cho đến khi anh tìm được việc làm tại tiệm Giặt là chia sẻ. Tại đây, anh không chỉ có được việc làm phù hợp với sức khỏe mà hàng tháng còn nhận khoản lương hơn cả mong đợi. Đặc biệt, tại đây, anh và những đồng nghiệp còn có thể bù đắp những khiếm cho nhau. “Em thấy công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe của em và các bạn. Chúng em có thể trợ giúp lẫn nhau. Ví dụ, em khó khăn trong việc đi lại thì có các bạn bị khuyết tật ở tay nhưng đi lại nhanh nhẹn hỗ trợ. Ngược lại, em có đôi tay lành lặn thì sẽ hỗ trợ các bạn ấy trong những phần việc cần đến đôi tay hoạt bát”, anh Luân chia sẻ.

Anh Luân cho biết, khách hàng khi đến tiệm "Giặt là chia sẻ" cũng thường đem theo sự cảm thông với người khuyết tật. Cứ như vậy, không biết từ lúc nào anh và những đồng nghiệp với những khiếm khuyết trên cơ thể đều có cảm giác nơi đây luôn đong đầy yêu thương đúng như tên gọi của nó - Giặt là chia sẻ.

Ý tưởng xuất phát từ “Tâm”

Trước khi mở tiệm Giặt là chia sẻ với nhân công chủ yếu là người khuyết tật, anh Đỗ Văn Hiểu - chủ cơ sở này đã có 2 cửa hàng giặt là chuyên nghiệp với nhân công là những người hoàn toàn khỏe mạnh. Anh cho biết trong một lần tuyển dụng, có một bạn khuyết tật đến xin việc. Vì thấy người này bị tật ở đôi chân, đi lại có phần chậm chạp nên anh đã từ chối. Tuy nhiên, suốt những ngày sau đó anh luôn thấy mình có lỗi với cảm giác mình là người ích kỷ khi đã từ chối một cách phũ phàng người đó. Cũng vì lẽ ấy, anh trăn trở tìm cách giúp người này. “Nhiều đêm nằm suy nghĩ, em thấy công việc tại tiệm giặt là cũng không quá nặng nhọc, di chuyển cũng ít nên em đã liên lạc lạc với bạn khuyết tật kia, muốn cho bạn ấy một cơ hội”, anh Hiểu nhớ lại.

Đúng như những gì đã nghĩ, anh Hiểu thấy người công nhân khuyết tật hoàn thành rất tốt phần việc được giao, thậm chí có những ưu điểm vượt trội. “Em thấy các bạn khuyết tật có ý chí vươn lên rất tốt. Họ chăm chỉ, tận tụy với công việc và rất trung thành với mình, không có ý định chuyển việc”, anh Hiểu chia sẻ. Anh Hiểu cho biết, đấy cũng là yếu tố giúp anh nảy sinh ý tưởng mở thêm cơ sở giặt là mới, lấy thương hiệu là Giặt là chia sẻ, nhân công chủ yếu là người khuyết tật. “Hiện tại, tất cả em có 4 cơ sở giặt là. Em đang từng bước chuyển đổi những cơ sở cũ sang mô hình Giặt là chia sẻ để có thể tiếp nhận được thêm nhiều bạn khuyết tật hơn. Em nghĩ đây là hướng đi đúng”, anh Hiểu cho biết.

Anh Hiểu tâm sự, rất nhiều khách hàng khi tìm đến tiệm Giặt là chia sẻ đều mang theo cái tâm, muốn thông qua việc sử dụng dịch vụ giặt là để gián tiếp tạo việc làm, giúp đỡ người khuyết tật. Tuy nhiên, anh và những nhân công của tiệm đều hiểu rằng nếu chất lượng dịch vụ không tương xứng với đồng tiền khách hàng bỏ ra, họ sẽ không quay lại. “Ngay từ đầu, khi quyết định mở cơ sở Giặt là chia sẻ, em nhắc nhở các bạn khuyết tật rằng khách hàng đến đây là vì họ thương yêu mình nhưng nếu quần áo giặt không sạch, đụng đến lợi ích của họ thì họ sẽ chỉ thương một lần mà thôi. Khách không đến, các bạn không có việc làm thì chúng ta thất bại. Ai cũng thấu hiểu điều đó nên luôn nỗ lực hết mình để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ giặt là”, anh Hiểu bảy tỏ.