Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã có tác động lớn đến xã hội, cải thiện môi trường, thay đổi diện mạo nông thôn. Đặc biệt kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế đã được quan tâm đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển và hiện đại hóa nông thôn; đời sống của người dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.

Công tác lồng ghép, huy động các nguồn lực trong triển khai thực hiện 3 chương trình đã tạo động lực và cơ hội, điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã đang và sẽ triển khai thể hiện sự ưu tiên trong đầu tư công của Nhà nước cũng như đảm bảo sự tăng trưởng bao trùm không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời thúc đẩy sự phát triển cân đối bền vững giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội.

Tuy nhiên, cũng theo TS Phong, nếu nhìn về mặt tiến độ và hiệu quả thì nói chung việc đầu tư công trong thời gian vừa qua còn nhiều vấn đề, ngay cả với 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai.

Theo báo cáo, tính đến hết ngày 30/11/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia của cả nước đã đạt khoảng 68,7% kế hoạch vốn được giao trong năm 2023; đặc biệt có những địa phương đã có kết quả giải ngân rất tốt như Hậu Giang, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Yên Bái, Vĩnh Long...

Ngoài ra còn một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước như: Điện Biên, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Đắk Nông, Bình Thuận, Kiên Giang và một số vướng mắc chưa được các Bộ, cơ quan xử lý theo đúng tiến độ được giao; đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ ở một số địa bàn, cơ quan, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; các dự án, nội dung đầu tư vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải; tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện của một số địa phương…

Và với tốc độ này thì khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ngân sách trung ương của 3 chương trình đến năm 2025 là rất khó khả thi. Theo đánh giá, nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do nhiều nội dung quy định về quản lý và tổ chức thực hiện Trung ương chậm ban hành hướng dẫn hoặc có sửa đổi, cập nhật, khiến các sở, ngành, địa phương trong tỉnh lúng túng, khó khăn trong quá trình thực hiện. Mặc dù Ban chỉ đạo của ba Chương trình mục tiêu quốc gia đã được kiện toàn nhưng cơ chế vận hành chưa nhịp nhàng và thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan. Về mô hình bộ máy giúp việc không thống nhất, mỗi địa phương mỗi kiểu khác nhau, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó khối lượng văn bản hướng dẫn quá nhiều, theo thống kê Trung ương đã ban hành đến 114 văn bản và các văn bản thì quy định chung chung; một số địa phương chưa hoàn thành văn bản quản lý theo thẩm quyền…Ngoài ra, còn tình trạng chậm phân bổ vốn, phân bổ không đúng đối tượng, việc giao vốn sự nghiệp bất cập.

Để khắc phục những bất cập này, tại kỳ họp bất thường lần thứ V, Quốc hội khoá XV vừa thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, theo đó, chính thức thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình. Nghị quyết quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho huyện được lựa chọn thí điểm.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong xu hướng hiện nay thì cơ chế đặc thù dường như ngày càng nhiều hơn và lan tỏa ở các lĩnh vực, đồng thời được các địa phương rất mong chờ. Cơ chế đặc thù có thể xem như một trong những chìa khóa để tháo gỡ các nút thắt đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Việc Quốc hội bổ sung thêm cơ chế đặc thu trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chính là nằm trong xu hướng này, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội.

“Quốc hội cũng rất cầu thị dám nghĩ dám làm theo nghĩa, dám phân quyền phân cấp, mạnh dạn từ bỏ bớt quyền lực của mình, để đưa xuống các cấp dưới, tin tưởng cấp dưới nhiều hơn, đặc biệt tin cậy vào năng lực của địa phương cấp huyện để triển khai chính sách’, TS Nguyễn Minh Phong thẳng thắn và khẳng định, đây là một chủ trương đúng, thể hiện tinh thần đổi mới cơ chế quản lý đối với tài chính ngân sách cũng như các hoạt động quản lý nhà nước khác. Điều này giúp các địa phương linh hoạt hơn chủ động hơn trong việc tự tìm hiểu vương mắc và giải quyết vấn đề phù hợp với địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công.

Tuy nhiên theo quan điểm của ông Phong, việc lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp, có vẻ hơi rụt rè. “Theo con số cập nhật đến tháng 4/2023, cả nước hiện có 705 quận, huyện, thị xã. Trong đó có 82 thành phố thuộc tỉnh, 52 thị xã, 46 quận và 524 huyện. Cả nước có 63 tỉnh, thành nếu mỗi một tỉnh thành chỉ lựa chọn 2 huyện để thí điểm thì chỉ có 126 huyện chiếm khoảng 15% thì là một con số quá khiêm tốn”, ông Phong nêu quan điểm.

Có thể nói, việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là rất mới. Nội dung phân cấp cũng rất triệt để khi thẩm quyền lẽ ra ở tỉnh thì chuyển thẳng xuống huyện. Bởi vậy, điều quan trọng nhất lúc này là làm thế nào để tạo nên sự quyết tâm thực hiện đồng bộ ở các địa phương và tìm ra một giải pháp tối ưu để có thể thực hiện hiệu quả khi triển khai thí điểm cơ chế này? Theo TS Nguyễn Minh Phong, trước hết về mặt pháp lý các quan chức năng phải sớm rà soát, tích hợp và hướng dẫn thành một văn bản hoàn chỉnh, đơn giản, rõ ràng, từng quy trình, từng bước theo kiểu cầm tay chỉ việc cho địa phương, cho từng đối tượng dự án, từng cấp quản lý.

Bên cạnh đó, cũng cần đưa ra các hướng dẫn cụ thể về nội dung, mục tiêu, yêu cầu, tiêu chí, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện trách nhiệm. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm. Thứ ba, đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, thì nên có đội ngũ cán bộ cấp tỉnh luân chuyển về trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cho cán bộ dưới quyền về những việc họ phải làm.

Ông Phong nhấn mạnh, đây là thời điểm đầu năm 2024 như vậy chỉ còn gần 2 năm là hết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Trong quyết định cơ chế đặc thù này Quốc hội ghi rõ là bắt đầu thí điểm từ khi cơ chế này được thông qua và sẽ kết thúc khi nào Quốc hội có văn bản mới thay thế. Do đó, trước mắt nên thực hiện thí điểm 2 năm là phù hợp cho việc triển khai một cơ chế đặc thù, sau đó cần được tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để áp dụng trên diện rộng.